Quận Ba Đình vừa là nơi tập hợp địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều địa chỉ vui chơi, thư giãn ăn uống phù hợp với những người trẻ năng động
Tôi sinh ra giữa những năm tháng mà tiểu thuyết Gánh hàng hoa của Khái Hưng vẫn đang là nỗi niềm thổn thức của biết bao tài tử văn nhân, nhất là các thiếu nữ Hà thành. Tuổi thiếu niên của tôi trôi đi bàng hoàng trong Mơ hoa – sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Giác, với giọng ca quyến rũ của tài tử Ngọc Bảo: “Cô hái hoa tươi... Mắt mờ đoái trông... Hoa dù tán úa, tháng ngày chờ mong...”.
Những cô gái ở làng hoa Ngọc Hà - Con gái ở trại Hàng Hoa/ăn cơm nữa bữa ngủ nhà nửa đêm – tần tảo, sắc sảo, duyên dáng, kèm với những gánh hoa tươi của quê hương, ngày xưa luôn là những chấm son thon thả, thoăn thoắt di động trên khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội, đem lại cho nơi ngàn năm văn vật đất Thăng Long này biết bao là sắc hương, là thi hứng, là cảm xúc nghệ thuật và cội nguồn sáng tác, chẳng mời gọi mà vẫn hấp dẫn, luôn cuốn những bước chân yêu hoa nên phải đánh đường tìm hoa, từ khắp ngả, đến với Ngọc Hà.
Ngày ấy, đến với Ngọc Hà là có cả một vạt hoa, một thảm hoa, bạt ngàn tươi thắm. Vào làng, dù bằng con đường xưa vừa là đê vừa là thành, cạp theo vòng cung sáng nước mạn nam Hồ Tây – bây giờ mang tên người thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám – mà đi xuống; hoặc bằng con đường cái quan dẫn từ kinh đô lên xứ Đoài xưa – mà ngày nay vẫn còn một đoạn phố, được đặt đúng tên là phố Sơn Tây - đi lên từ nước nam làng; hoặc bằng ngay chỗ cửa chính Tây của thành cổ Hà Nội – bây giờ đang nguy nga tráng lệ các tòa Lăng và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với trầm mặc, cổ kính, ngôi chùa Một Cột – mà tạt vào; dù đi trên con đường trục hoặc các nhánh đường xương cá của làng, thì đâu đâu cũng thấy toàn hoa là hoa.
Những vườn hoa, những luống hoa trải quanh những căn nhà nhỏ để trông nom hoa và sống nhờ vào hoa, kiêm luôn ở một chỗ khuất giữa hoa và trong hoa, cũng như là cả từng khóm hoa, cây hoa ven tường nhà, trước sân nhà ở làng Ngọc Hà ngày ấy, không biết có từ bao đời mà việc trồng hoa và chăm sóc hoa, thú chơi hoa ở Ngọc Hà là nghề của làng. Vì thế, từ đại trà là hai thứ hồng và cúc, đến những thứ xưa đang còn hiếm ít và quý lạ như făng-xê, lay-ơn hoặc thược dược, loa kèn, cả nhài và huệ nữa, trồng thứ nào và cách nào, đều có sự cẩn thận, tính toán, ở Ngọc Hà. Người Hà Nội ngày trước, luôn có Ngọc Hà là nơi từ mỗi sáng đến mỗi chiều, quanh năm suốt tháng, đem trao đến tận nhà, tận tay, hai thứ: hoa cắm và hoa cúng, không như từ các nơi khác, thường chỉ có hoa Tết, cây theo mùa.
Những lần đến với làng hoa Ngọc Hà, tôi thường thử tìm xem những điều gì đã khiến cho nơi đây trở thành được một nguồn hương sắc quan thiết đến như thế, đối với đất Hà thành. Có lẽ lợi thế trước hết, ở nơi này là cái vị trí kề cận cửa chính tây Thành cổ Hà Nội mà từ đây chỉ vài bước chân thôi là đã vào đến chốn nội đô tấp nập phố phường rồi. Từ đấy mà nghĩ thêm: cái vạt hoa sát mạn nam Hồ Tây này, mà lại cận kề nội đô như thế, hẳn phải đã từng gắn bó lắm với khu Hoa viên Thượng uyển của Hoàng thành Thăng Long một thời xa xôi nào đấy. Chốn ấy là nơi này chăng?
Lại một lần tình cờ đọc trong sử cũ, thấy nói đến một cái chợ, tên là Hoàng Hoa Thị (Chợ Hoa Vàng). Hoa Vàng thì chắc là hoa cúc rồi, nhưng ca dao Hà Nội cổ vẫn còn lưu lại cho tới nay một tên chợ nữa, mang tên một cái phương hướng, mà từ đấy có thể nhận ra vị trí của các chợ có tên ấy, cũng là ở chỗ “Chợ Hoa Vàng” này. Đó là cái tên “Chợ Tây”, trong câu ca xưa nói về những cô gái đảm đang chốn kinh kỳ, “bán mít chợ Đông, bán Hồng chợ Tây”... “Chợ Hoa Vàng” ở cửa Chính Tây cũng chính là cái “Chợ Tây” này, để cho những cô gái đến bán những quả hồng mọng đỏ, vậy, hẳn là một cái chợ không chỉ có hoa cúc, mà còn là chợ của các loài hoa và quả. Đó phải chăng là nơi hóa thân, dịch phận của khu vườn Thượng Uyển trong Hoàng thành, Hoàng cung một thời xa xưa, khi xảy ra chuyện – theo các nhà nghiên cứu sử học, địa lý học, Hà Nội học... đời Lê xây nhích Hoàng thành, Hoàng cung từ Tây sang Đông, hoặc đời Nguyễn xây co lại Thành cổ Hà Nội, khiến để dôi dư, hoặc lọt ra ngoài nơi vua ở, cái vạt đất vạt hoa, dần dần chuyển hóa thành làng hoa Ngọc Hà này?
Bây giờ thì một khu chợ, mang đúng tên là chợ Ngọc Hà, vẫn đang nhộn nhịp chen chúc bán mua ở chỗ xưa đã là chợ Hoàng Hoa, rồi là chợ Cửa Tây này. Và một con phố dài, khởi từ chợ Ngọc Hà mà chạy men theo di tích đoạn tường thành Cửa Tây, men theo những rặng cây um tùm phía tây vào Bách Thảo, đi thẳng lên đường đê - thành Hoàng Hoa Thám, trông thẳng ra bờ nước mạn nam Hồ Tây, cũng có tên là phố Ngọc Hà! Hàng chục ngõ, ngách, đang được đánh số, mang biển – dẫn vào ngôi làng xưa – giờ đã thành ra một phường của quận Ba Đình - đều có cửa mở ra, thông với con phố Ngọc Hà này. Vậy, ngày xưa đây hẳn là một con đường trục của làng. Và những nhánh đường xương cá trong làng, tỏa ra, nối vào con đường trục, thì bây giờ hóa cả ra các ngõ ngách của phố phường. Nhưng sao là đường, là ngõ ngách, mà lại đều mang tên là sông, và không phải sông thường đâu, mà là Sông Ngọc – Ngọc Hà?
Khi tra lại các bản đồ cổ, khảo sát địa danh, địa mạo từ xa xưa còn lưu dấu lại, các nhà nghiên cứu vừa mới phát hiện thấy: chảy trôi trên đất Ngọc Hà trước kia, quả là đã từng tắm tưới tươi xanh một dòng sông cổ! Một đầu thông với dòng Kim Ngưu ở xa mãi về mạn nam kinh thành, một đầu nối vào nhánh sông Tô Lịch chảy dọc đường Thụy Khuê (còn có tên nữa là Thụy Khê, với nghĩa: dòng nước đẹp) mà thông với Hồ Tây ( ở chỗ bây giờ là làng Hồ Khẩu: Cửa Hồ) – vùng nước từng một thời có tên là Hồ Trâu Vàng – dòng sông thiêng quý và cổ kính này, ở khúc chảy qua làng Ngọc Hà, có một nguồn tụ thủy tích nước, chính là khu hồ Ngọc Hà (Hữu Tiệp) hiện nay.
Còn dòng chảy chính thì uốn lượn, kèm cạnh con đường trục của làng xưa – chính là đường phố Ngọc Hà bây giờ – xuyên qua và để dấu lại thành con hồ cong và dài, rõ ra hình một đoạn sông cổ, trong khu vườn Bách Thảo – trước đây là vườn Bách Thú, do người Pháp trích đất làng Ngọc Hà mà lập ra – rồi chảy thấu vào Hồ Tây ở ngay chỗ vườn hoa bên kia đường cổng vào Bách Thảo.
Thế là mạn sông Kim Ngưu – Tô Lịch, không chỉ quây lấy Hà Nội ở bên trong, cho thành tên đô thị ở trong sông của đất Hà thành, mà còn có cả một nhánh sông quý – sông Ngọc – chảy ngay trong khu vườn Tây Cấm – Ngự Uyển của Hoàng thành – Hoàng cung xưa! Lâu nay vẫn tưởng: để tắm tưới cho những cành vàng lá ngọc, hoa thơm cỏ lạ ở nơi này, các nội nhân thái giám cung đình xưa phải khơi giếng, đào hồ mà lấy nước, nuôi vườn. Thì nay, hóa ra đã có nhánh sông quý này phù trợ rồi.
Phát hiện khảo cổ học mới công bố ở phần phía tây Thành cổ Hà Nội nữa: cùng với những nền điện, sân cung, mái lầu... đang bị vùi dưới hai ba mét đất sâu, còn khơi ra được nguyên vẹn một đoạn đáy sông, có chiều rộng đến 15 mét, chảy dọc theo hướng bắc – nam, nghĩa là đủ mặt nước cho những chiếc thuyền rồng vua ngự, có đoàn cung nữ buộc ngựa vào thuyền mà kéo, đi men bờ hoa, ngày xưa từ vườn Tây Cấm trong nội cung, ngược thẳng ra du ngoạn Hồ Tây, ở sát ngay ngoài mé Bắc Môn của Hoàng thành...
Dòng sông xưa gắn bó nhiều với cung đình và hoàng triều Thăng Long như thế, hiển nhiên xứng với tên gọi: Sông Ngọc – Ngọc Hà. Và khi những dâu biển đã xoá mờ, vùi lấp nó đi, thì danh thơm tiếng đẹp của nó vẫn còn để lại cùng năm tháng.
0 bình luận