Quận Ba Đình trong suốt chiều dài phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay được ví là "trái tim" của vùng đất nghìn năm văn hiến.
Ba Đình là 1 trong 12 quận huyện của thành phố Hà Nội, là 1 trong 4 quận nội đô, nơi tập trung nhiều cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Quận Ba Đình tiếp giáp với các trung tâm hành chính lớn của thành phố, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đô thị phát triển mạnh mẽ.
"Ba Đình" nhìn từ lịch sử
Ba Đình vốn là tên của một dải đất ở Thanh Hóa, nơi đã diễn ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Tên gọi “Ba Đình” được sử dụng chính thức từ giữa năm 1945, những năm thực dân Pháp chiếm đóng, lại đổi tên thành Hồng Bàng. Sau ngày giải phóng Thủ đô, vùng đất này lại trở về tên gọi Ba Đình cho đến nay.
Ba Đình có lịch sử hình thành rất sớm, là vùng đất thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi là Yên Hòa), huyện Vĩnh Thuận. Khu vực này sau năm 1954 được chia thành hai khu: Trúc Bạch và Ba Đình. Khu phố Ba Đình được thành lập năm 1961 trên cơ sở sáp nhập khu Ba Đình, Trúc Bạch; xã Đông Thái, một phần xã Thái Đô thuộc quận V cũ; 2 xã Phúc Lệ, Ngọc Hà và một phần xã Thống Nhất thuộc quận VI. Quảng trường Ba Đình ngày nay vốn là “Chính Tây Môn” tức là cửa Tây của thành Thăng Long đời Nguyễn.
Tháng 06/1981, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình, gồm 15 phường: Yên Phụ, Trúc Bạch, Thụy Khuê, Thành Công, Quán Thánh, Phúc Xá, Nguyễn Trung Trực, Ngọc Hà, Kim Mã, Giảng Võ, Đội Cấn, Điện Biên, Cống Vị, Cầu Giấy và Bưởi.
Tháng 10/1995, ba phường Yên Phụ, Thụy Khuê, Bưởi chuyển sang trực thuộc quận Tây Hồ. Ngày 22/11/1996, phường Cầu Giấy đổi tên thành phường Ngọc Khánh. Ngày 05/01/2005, điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai phường Ngọc Khánh và Cống Vị, đồng thời thành lập 2 phường Liễu Giai và Vĩnh Phúc.
Hiện tại, quận Ba Đình có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm các phường sau: Vĩnh Phúc, Trúc Bạch, Thành Công, Quán Thánh, Phúc Xá, Nguyễn Trung Trực, Ngọc Khánh, Ngọc Hà, Liễu Giai, Kim Mã, Giảng Võ, Đội Cấn, Điện Biên và Cống Vị.
Về vị trí địa lý: nằm ở trung tâm của Thủ đô Hà Nội, phía Nam Hồ Tây, sát bờ Nam sông Hồng. Phía Bắc giáp quận Tây Hồ, phía Nam giáp quận Đống Đa, phía Đông giáp quận Long Biên, phía Đông Nam giáp quận Hoàn Kiếm và phía Tây tiếp giáp với quận Cầu Giấy.
Về điều kiện tự nhiên, địa hình: quận Ba Đình tựa như một Hà Nội thu nhỏ với sông hồ, cây xanh đan xen. Trên địa bàn quận có nhiều hồ lớn: hồ Trúc Bạch, hồ Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công, Bách Thảo, Ngọc Hà…
Truyền thống lịch sử và văn hoá quận Ba Đình
Từ khi thành lập quận (31/05/1961) đến nay, qua 55 năm hình thành và phát triển, Ba Đình đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000 và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2006, đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập, quận Ba Đình đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Quảng trường Ba Đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Thủ đô và cả nước. Gần 15 năm sống và làm việc ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch, bên cạnh Quảng trường Ba Đình, với cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chủ trì, tổ chức các cuộc mít tinh, diễu hành, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các cuộc họp Bộ Chính trị, các kỳ họp Quốc hội bàn về những quyết sách lớn của cách mạng Việt Nam.
Quận Ba Đình có nhiều di tích bao gồm nhiều loại hình khác nhau như: đình, đền, chùa, miếu, kiến trúc thành lũy và các di tích cách mạng kháng chiến. Theo tống kê mới nhất, hiện nay quận Ba Đình còn 74 di tích gồm 51 di tích lịch sử văn hóa và 23 di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó, 33 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, 17 di tích cách mạng kháng chiến được công nhận và gắn biển.
Trong số các di tích lịch sử văn hóa, công trình ở quận Ba Đình, có nhiều điểm mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, du lịch như: Cột cờ Hà Nội, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, Hoàng thành Thăng Long, Thăng Long tứ trấn, nhà thờ Cửa Bắc, chùa Một Cột, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đài quan sát Lotte Hà Nội, đền Quán Thánh, bảo tàng Chiến thắng B-52, vườn Bách Thảo Hà Nội, công viên Thủ Lệ, vườn hoa Lênin…
Lịch sử nghìn năm qua để lại cho Ba Đình những di tích lịch sử văn hóa đã trở thành tiêu biểu của Thủ Đô. Đây cũng là quận vinh dự có những di tích, công trình liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tạo thành quần thể khu di tích Ba Đình: Lăng Bác, phủ chủ tịch, nhà sàn ao cá Bác Hồ, quảng trường Ba Đình lịch sử và bảo tàng Hồ Chí Minh.
Vùng đất Ba Đình còn được biết đến với nhiều làng nghề nổi tiếng như bánh cốm Yên Ninh, lụa Trúc Bạch, đúc đồng Ngũ Xã, làng hoa Ngọc Hà,... tạo nên bản sắc văn hóa riêng của quận.
Quận Ba Đình trong suốt chiều dài phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay được ví là "trái tim" của vùng đất nghìn năm văn hiến.