Vị trí và Lịch sử: Phố Vĩnh Phúc dài 500 mét, từ phố Hoàng Hoa Thám qua cơ sở 2 của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đến khu tập thể của UBND quận Ba Đình. Tên đặt năm 1999. Phố thuộc địa phận làng Vĩnh Phúc.
Làng Vĩnh Phúc thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, có ba xóm là Thượng, Trung, Hạ. Xóm Thượng còn gọi là trại Cống Yên tức là vẫn giữ tên cổ giáp vùng Bưởi, xóm Trung ở giữa, xóm Hạ giáp Đại Yên. Làng ở dưới chân con đê cũ của sông Tô. Năm 1898 khi thực dân làm bãi Quần Ngựa đã cắt một phần đất của Vĩnh Phúc. Đến năm 1927, lại cắt tiếp để làm khu nội trú cho học sinh công giáo các tỉnh về học ở Hà Nội gọi là nhà Lacordaire. Do làng chạy dài tới trên nghìn mét, lại gồm ba xóm cách nhau bằng những cánh đồng, cánh bãi nên cả làng có 2 đình và 2 chùa. Một đình và một chùa ở thôn Hạ (bị lính Pháp đốt năm 1947), còn lại một chùa ở giáp Đại Yên và một đình ở sau ngọn núi đất có lăng Thái Tể nên cũng gọi là đình
Thái Tể. Truyền thuyết Thái Tể là thành hoàng làng, người gốc làng Lệ Mật (Gia Lâm) đã có công đưa người làng sang vùng này mở trại, trong đó có trại Vĩnh Phúc. Xóm Thượng vốn còn có một ngôi miếu gọi là Miếu Tràn (hay Hồng Trạch) ở chỗ nay là khu Nhà máy Gạch ngói xi măng.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn