Vị trí: Dài 550 mét, từ phố Đội Cấn sang phố Kim Mã. Tên đặt năm 1999. Trước đó là ngõ 222 Đội Cấn. Vạn Bảo đầu thế kỷ XIX là một trại thuộc tổng Nội huyện Vĩnh Thuận. Sang đầu thế kỷ XX mới đổi ra là Vạn Phúc. Làng Vạn Bảo nằm giữa hai dải hồ, một lớn một nhỏ nhưng đều chạy dài từ đông sang tây: đầm Cây Khế và hồ Trước Cửa. Khi phố Sơn Tây mở mang thì nhà mọc lên san sát kín mặt phố, hồ Trước Cửa bị lấp dần, nay chỉ là một đường cống thoát nước.
Làng có 4 xóm: Thượng, Trong, Ngoài, Bắc. Xóm Bắc được coi là xóm gốc. Xóm Thượng lại nằm ở tận khuỷu sông Tô Lịch giáp làng Vĩnh Phúc Thượng nhìn sang vùng Bưởi. Đó là do dân Vạn Bảo lên vùng này khẩn hoang, ở luôn lại lập ra xóm. Xóm Thượng này cách làng Vạn Bảo gốc tới trên ba ki lô mét. Từ xóm Bắc (gốc) phải đi qua Đại Yên, Liễu Giai, ba thôn Vĩnh Phúc hạ, trung, thượng mới tới xóm Thượng. Đình thờ Linh Lang ở bên bờ tây bắc đầm Cây Khế, gần đường Đội Cấn (ngõ 194 Đội Cấn rẽ vào).Cũng có thể theo ngõ 192 Kim Mã mà vào đình này. Hàng năm mở hội ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch. Đám rước từ đình này sang đền Voi Phục bên Thủ Lệ, kiệu phải rước vượt qua Núi Bò, các đô tùy theo vị trí khiêng kiệu khi lên xuống dốc phải bò sát đường để kiệu được thăng bằng.
Hiện trên phố Vạn Bảo có khu chung cư của các cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn