Vị trí: Dài 165 mét, ôm lấy bờ phía đông của hồ Trúc Bạch về phía đông, bắt đầu từ phố Ngũ Xã, chạy dọc theo bờ hồ này, và ngoặt sang phía đông, gặp phố Châu Long.
Thời Pháp thuộc, phố này gồm ba đường phố: phố Hai chị em Bà Trưng, đường 95 và đường 96 (rue des deux Soeurs Trưng, voie 95, voie 96). Sau Cách mạng, ta đã đổi ra tên hiện nay. Phố này có ngôi nhà số 129, đã từng là trụ sở Nhà xuất bản Nam Đồng thư xã, thành lập khoảng năm 1925, chuyên xuất bản những tập sách động viên tinh thần yêu nước. Tại đây, ngày 25-12-1927 đã thành lập Việt Nam quốc dân đảng, một chính đảng bao gồm phần lớn những thanh niên tiểu tư sản, yêu nước, ghét Pháp nhưng đường lối chính trị thì không rõ rệt. Đảng này tan rã sau vụ khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2-1930) thất bại!
Tiểu dẫn địa danh: Trúc Bạch nguyên là tên một làng (thôn) và tên một cái hồ ở địa phận làng ấy. Cho tới đầu thế kỷ XIX, Trúc Bạch là một trong số 24 thôn hợp thành tổng Yên Thành của huyện Vĩnh Thuận. Truyền thuyết kể rằng xưa kia chỗ làng này có rất nhiều trúc. Tới đời chúa Trịnh Giang (nửa đầu thế kỷ XVIII) mới cho xây một tòa nhà ở đây làm nơi nghỉ mát gọi là Trúc Lâm viện. Về sau viện này thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cô gái này phải tự dệt lụa để sinh sống. Lụa họ làm ra rất đẹp, được gọi là lụa làng Trúc, chữ Hán là "Trúc Bạch" (bạch là lụa) do đó thành ra tên làng.
Đó chỉ là truyền thuyết, chưa rõ thực hư ra sao.
Hồ Trúc Bạch ở phía nam thôn Trúc Bạch, vốn là một phần của Hồ Tây, mới tách ra từ thế kỷ XV hoặc XVI (xem thêm mục đường Thanh Niên).
Tới giữa thế kỷ XIX, tổng Yên Thành chỉ còn lại có 12 thôn, vì có một số thôn đã sáp nhập lại. Cụ thể là thôn Trúc Bạch đã hợp nhất với thôn Yên Canh thành thôn Trúc Yên. Song dân chúng vẫn cứ gọi là hồ Trúc Bạch (mà không gọi là hồ Trúc Yên). Ngày 26-10-1967 máy bay do phi công Mắc Kên lái đã bị trúng đạn của ta và rơi xuống hồ này!
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn