Vị trí: Dài 1.232 mét, đi từ phố Phùng Hưng tới phố Ông ích Khiêm. Hồi Pháp thuộc, đây là hai đại lộ Ga-li-ê-ni (boulevard Galliéni) và Phê-lích Phô (boulevard Bix Faure), Sau Cách mạng, ta đã nhập hai phố lại, đổi tên là đại lộ Tôn Thất Thuyết. Trong thời gian tạm chiếm chính quyền bù nhìn đổi ra là đại lộ Hàm Nghi. Từ ngày giải phóng Thủ đô, ta đặt lại như tên gọi hiện nay.
Trước đây, khi còn tòa thành Thăng Long (đời Nguyễn) thì phố này chính là mặt thành phía nam. Mật thành này có hai cửa thì cửa tây nam là ở vào chỗ phố Chu Văn An gặp phố Trần Phú, và cửa đông nam thì ở vào chỗ phố này gặp đường Tôn Thất Thiệp.
Ở giữa phố Trần Phú ngày nay có vườn hoa Chi Lăng. Chỗ đó chính là khu vực Hồ Voi ngày trước, nơi quân lính thuở ấy vẫn đem bầy voi chiến ra tắm táp. Bầy voi đó được nuối ở các tàu tượng (nơi nuôi voi) nay là khu vực Trạm quân y 354 trên đường Điện Biên Phủ. (Xem thêm mục vườn hoa Chi Lăng).
Tiểu sử nhân vật: Trần Phú (1904-1931) quê ở làng Tùng Ảnh nay thuộc xã Đức Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1922, ông đỗ bằng Thành chung ở Huế và về dạy học ở Vinh. Năm 1926, ông cùng một số bạn bệ lập ra hội Phục Việt, sau đổi là hội Hưng Nam, rồi lại đổi ra là Tân Việt cách mệnh đảng. Tháng 7-1926 ông được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội để bàn việc hợp nhất hai tổ chức. Tại đây, ông đã được Bác Hồ trực tiếp huấn luyện về đường lối cách mạng. Tháng 12 năm đó, ông trở về Vinh báo cáo dự định thống nhất hai tổ chức nói trên, nhưng bị mật thám theo dõi ngặt nên phải trở lại Quảng Châu vào đầu năm 1927. Ông được Bác Hồ cử sang Liên Xô theo học tại trường Đại học Phương Đông. Ba năm sau, tháng 4-1930, ông về nước, được cử bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Ban đầu ông ở tại số 4 phố Hàng Rươi, sau chuyển đến tầng hầm của ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm. Tại đây, cùng một số đồng chí khác, Trần Phú đã thảo ra bản "Luận cương chính trị" xác định tính chất của Cách mạng Việt Nam.
Cũng tại hội nghị này Trần Phú đã được cử làm Tổng bí thư của Đảng. Sau hội nghị, ông vào Sài Gòn lúc này là nơi đóng trụ sở của Ban Thường vụ Trung ương. Nhưng tới ngày 19-4-1931, do có kẻ phản bội khai ra, ông bị thực dân bắt tại Sài Gòn. Tuy bị tra tấn dã man, nhưng ông không hề lộ một bí mật nào của tổ chức. Tháng 8-1931, ông bị ốm nặng, thực dân buộc phải đưa sang điều trị tại nhà thương Chợ Quán. Nhưng bệnh tình quá trầm trọng nên vào ngày 6-9-1931, Trần Phú đã từ trần, lúc đó mới 27 tuổi!
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn