Phố Tôn Đức Thắng

Vị trí và Lịch sử: Dài 1.240 mét, đi từ phố Nguyễn Thái Học đến phố Nam Đồng. 

Có thể coi phố này là đầu mút của con đường thiên lý thứ hai nối Thăng Long với các trấn phía nam kinh thành (con đường này thường gọi là đường thượng đạo lai kinh, từ Thăng Long qua cửa ô Cầu Dừa đi về mạn Thanh Oai, Chương Mỹ, theo triền sông Đáy mà đi xuyên vào vùng núi Ninh Bình, Thanh Hóa...).•

Theo các sách "Phương Đình địa dư" và "Các trấn tổng xã danh" thì vào đầu thế kỷ XIX đã có thôn Hàng Bột thuộc về tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tới giữa đời Minh Mạng (1820-1840) vua này sính dùng chữ Hán, đã bắt các địa phương đổi tên các xã thôn, các bến sông, các phường phố.. từ tên nôm ra tên Hán. Vì vậy mà so vào bản đồ Hà Nội 1831 thì thấy thôn Hàng Bột đã tách ra thành 2 thôn, bên phía trái Văn Miếu là Tả Biển Giám Thục Miến thôn, bên phía phải Văn Miếu là Hương Miến thôn. Những chữ Miến này chính là dịch chữ Bột vậy. Thục Miến là bột chín, có lẽ là thứ bột gạo nếp rang và xay nhỏ như bột bánh khảo ngày nay. 

Còn Hương Miến thì bột thơm, có lẽ là bột ướp hoa. Dầu sao Hàng Bột cũng vẫn là một phố có từ lâu đời. Phố này đi qua nhiều thôn xóm khác nhau. So vào bản đồ Hà Nội 1831 đoạn đầu phía bắc là thôn Giao Trì, rồi tiếp đó, bên dãy phố lẻ là các thôn Hương Miến, Huy Văn và Xã Đàn. Tất cả 4 thôn này đều thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi ra là tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX hai thôn Huy Văn và Hương Miến hợp lại thành Văn Hương (xem mục Huy Văn và Văn Hương). Bên dãy phố chẵn là các thôn Cận Tú Uyên, Tiên Thù và Dũ Hậu, đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. (Tới giữa thế kỷ XIX, Cận Tú Uyên thành một phần của thôn An Trạch, còn hai thôn kia nhập vào phường Thịnh Hào). Đoạn cuối phố là phần đất phường Thịnh Hào, thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Ở đây vốn có một cửa ô gọi là Ô Chợ Dừa hoặc Ô Cầu Dừa. Đây chính là một cửa thành mở qua tường phía nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc khu đông dân cư ở kinh thành Thăng Long. Gọi là Chợ Dừa vì ở đây vốn có một cái chợ (nay vẫn còn). Gọi là Cầu Dừa vì ở ngoài cửa ô vốn có cầu bắc ngang qua sông Kim Ngưu (chảy men theo mé ngoài trường thành). Sử cũ gọi đó là "cửa thành Chợ Dừa" (Đa Thị thành môn). Địa điểm này lần đầu đi vào lịch sử là năm Tân Sửu (1241): Toàn thư chép rằng năm ấy, vào tháng 4, có đại hạn, "ở Chợ Dừa đất toác ra". Tới thế kỷ XVI, trong thời gian đánh nhà Mạc, quân của Trịnh Tùng đã từng qua lại cửa ô này khiến nhà Mạc đã phải củng cố nhiều lần. Tới năm 1592, tướng nhà Trịnh là Nguyễn Hữu Liêu đã dẫn 1 vạn tượng binh đánh phá nơi đây và thẳng tiến hạ thành Thăng Long.

Sang thế kỷ XVIII cửa ô này có tên là cửa Võ Quan. Vì sát ngay cạnh cửa ô có Võ Đồn. Xem bản đồ Hà Nội 1831 còn thấy ở chỗ bây giờ là cuối phố, khoảng bên trong trụ sở Ủy ban nhân dân quận Đống Đa số nhà 281, có một khu đất vuông vắn được ghi tên là Cựu Võ Đồn.

Năm 1782, Lãn Ông Lê Hữu Trác đã qua cửa này để vào nội thành. Ông có ghi lại quang cảnh nơi đó trong Thượng kinh ký sự: "Đi qua cửa Võ Quan vào thành. Nhìn thấy một dãy thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một tường nhỏ, mặt trên là đường xe ngựa đi, mé ngoài có hàng rào tre dày kín, dưới có hào sâu. Trong hào rải chông trà rất kiên cố. Thành có ba lần cổng ngăn, cổng nào cũng có lính gác hai bên, giáo gươm sáng loáng".

Cửa ô này đời Lý Trần còn có tên là cửa Trường Quảng. Nhưng đầu đời Nguyễn (thế kỷ XIX) thì có tên là cửa Thịnh Quang. Đó là lấy tên phường Thịnh Quang, một phường đã có từ đời Lê bao gồm cả một vùng đất so với ngày nay là từ cuối phố Tôn Đức Thắng đến tận Ngã Tư Sở có thể là sang đời Nguyễn, phường này bị chia ra làm nhiều phường thôn khác nhau và cái tên Thịnh Quang chỉ còn là tên của một thôn ở cạnh làng Láng Hạ, giáp Ngã Tư Sở. Còn cửa ô lúc đó thuộc về đất Thịnh Hào.

Ngoài ra phố này, cho tới tận năm 1842 còn là huyện ly của huyện Thọ Xương. Ngày ấy huyện đường đóng tại đất thôn Hương Miến, nay là khu vực Phòng Y tế quận Đống Đa khoảng từ số nhà 107 đến số nhà 111. Từ năm 1842 huyện ly mới dời đến thôn Tiên Thị, nay là khu vực ngõ Huyện và phố Lý Quốc Sư.

Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Tôn Đức Thắng thuộc về Liên khu III. Chỉ một đêm sau ngày nổ súng, tức là vào sáng ngày 20-12-1946 tự vệ Hàng Bột và một đơn vị vệ quốc đoàn đã tập kích nhà Đê-lê vô ở phố Cát Linh tiêu diệt gọn bọn giặc đóng ở đây.

Sáng ngày 24-12-1946, giặc lại tiền ra định đánh xuống Ô Chợ Dừa. Tự vệ Hàng Bột và một tiểu đội tuyên truyền xung phong đã chặn đứng chúng lại, tạo điều kiện cho nhân dân ở vùng cửa ô có thời gian tổ chức tản cư tốt hơn.

Tới sáng ngày 30-12-1946, địch lại tung một lực lượng gồm 600 bộ bình, 50 xe cơ giới, có máy bay yểm trợ. Nhưng quân và dân phố này đã ngoan cường giữ từng tấc đất. Suốt 5 tiếng đồng hồ đánh phá, có cả máy bay trút bom hỗ trợ, vậy mà địch đã phải rút lui chịu thua.

Thời Pháp thuộc đây là phố Xơ Ăng-toan (rue Soeur Antoine) nhưng dân chúng vẫn quen gọi là phố Hàng Bột. Sau Cách mạng ta đã chính thức hóa tên này. Tháng 7 năm 1988 được đổi ra là phố Tôn Đức Thắng.

(Nay cái tên Hàng Bột còn được bảo lưu trong tên của một ngõ nối phố Tôn Đức Thắng với phố Phan Phu Tiên, thời Pháp thuộc là đường 205 (voie 205).

Ngoài ra phố này có một nhà thờ có lịch sử lâu đời. Đó là Nhà thờ Hàng Bột, số nhà 162, lập năm 1907. Chính ra đó là khuôn viên của khu nhà nuôi người tàn tật của bà phước Ăng-toan (do đó phố này được đặt là phố bà xơ Ăng- toan - Soeur Antoine). Bà này là người xây dựng bệnh xá đầu tiên trên nền dinh Phủ Doãn xưa. Năm 1904, thực dân xung công bệnh xá này để xây bệnh viện, mới bồi thường cho bà phước mảnh đất làng An Trạch, làm nhà nuôi người tàn tật, sau nuôi cả trẻ con bị bỏ rơi. Vào năm 1907 họ xây một ngôi nhà thờ ở ngay đầu khu vực đó, dân gọi là nhà thờ Hàng Bột song tên chính thức là nhà thờ Xơ Ăng-toan.

 

       Tiểu sử nhân vật: Tôn Đức Thẳng (1888 - 1980) quê ở Cù lao ông Hổ nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên. Tuổi trẻ, ông lên Sài Gòn học trường Bách nghệ rồi làm thợ ở xưởng Ba Son. Tại đây ông đã lãnh đạo cuộc bãi công năm 1912. Sau đó ông làm lính thợ trên tàu thủy, được đưa sang Pháp. Năm 1919 bị điều theo chiến hạm Pháp tới Hắc Hải vây hãm Liên Xô. Ông tham gia bình biến, kéo cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm. Sau khi bị trục xuất về Sài Gòn, năm 1926 ông tham gia Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, ông bị bắt đày ra Côn Đảo. Ở đây ông trở thành đảng viên Cộng sản, đấu tranh kiên cường chống bọn chúa ngục. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 ông được đón về Nam Bộ, lãnh đạo kháng chiến. Sau đó ông ra Việt Bắc, phụ trách Quốc hội. Năm 1960 ông là Phó Chủ tịch nước và năm 1969 là Chủ tịch nước cho đến ngày qua đời. Ông là một chiến sĩ cộng sản kiên cường và đạo cao đức trọng.

 

Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.

 

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI