Vị trí và Lịch sử: Dài 1.364 mét, đi từ phố Hàng Than đến phố Thụy Khuê. Đây nguyên là đất các thôn xóm cũ, kể từ đông sang tây là: Yên Thành, Yên Ninh, Yên Viên, Tân Yên và Quan Quang, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. (Tới giữa thế kỷ XIX, hai thôn Quan Quang và Tân Yên hợp lại thành Yên Quang).
Cuối phố này, bên cạnh hồ Tây có đền Quán Thánh nổi tiếng. Đây là một quán thờ ông thánh Trấn Vũ. Cứ như ba chữ tạc trên nóc cổng thì đây là "Chân Vũ Quán". Thực ra cái tên này mới có từ năm 1842. Trước đó gọi là Trấn Vũ quán. Quán là nơi tu hành thờ tự của những người theo Đạo giáo là một tôn giáo gốc Trung Quốc, lấy Thái Thượng Lão Quân - tức Lão Tử - làm giáo tổ do Trương Đạo Lăng sáng lập, vào thời Đông Hán (thế kỷ thứ I). Thánh Trấn Vũ thờ ở đây cũng là hình ảnh hỗn hợp, vừa mang lốt một nhân vật thần thoại Trưng Quốc, lại vừa là một vị thần của truyền thuyết Việt Nam. Theo thần thoại Trung Quốc thì Huyền Thiên Trấn Vũ được Ngọc Hoàng cho coi giữ phương Bắc, có bộ hạ là rắn và rùa. Thần này có tài trị loài hồ tinh quấy nhiễu dân lành.
Nhưng, ở nước ta cũng có một truyền thuyết Trấn Vũ là thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây dựng thành Cổ Loa, Ông từng đến hồ Tây và trừ hồ tinh chín đuôi lẩn quất ở núi đá trong rừng lim bên phía tây hồ này.
Tương truyền Trấn Vũ Quán có từ đời Lý Thái Tố, sau được coi là một trong bốn ải trấn giữ bảo vệ thành Thăng Long (Thăng Long tứ trấn): đền Bạch Mã phía đông, đền Cao Sơn phía nam, đền Linh Lang phía tây và đền này phía bắc. Trong đền có pho tượng Trấn Vũ đúc năm 1677 bằng đồng đen cao khoảng 3,96 mét (?), nặng khoảng 4 tấn. Tượng thần ngồi xoã tóc, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm lên lưng rùa, lưỡi gươm có rắn quấn. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo đánh dấu kỹ thuật đúc đồng cách đây ba thế kỷ. Ngoài ra, ở bên phải nhà đại bái, lối đi vào đền trong có một pho tượng đặt trong khám thờ, tương truyền là tượng người thợ đã đúc tượng Trấn Vũ (có tài liệu nói đó là tượng thần thổ kỳ tức thần đất).
Thời Pháp thuộc, thực dân gọi phố này bằng một cái tên dịch lạc hẳn đi là "đường Phật lớn" (route du Grand Bouddha). Nhân dân thì vẫn gọi bằng cái tên quen thuộc là phố Quan Thánh (do đàng sau chính điện thờ Trấn Vũ vốn có một ngôi đền thờ Quan Thánh đế quân (tức Quan Công đời Thục Hán bên Trung Quốc), đền này bị xóa bỏ vài chục năm nay). Sau Cách mạng, ta đã chính thức hóa tên gọi này. Đến khoảng 1960-1961, lại đổi ra Là Quần Thánh với lý do là có Quán Trấn Vũ.
Phố này nguyên chạy ven bờ khúc sông Tô Lịch mà sàu trở thành hào của thành Hà Nội xây năm 1804 - 1805, đi qua nhiều làng cổ. Đoạn đầu (từ Hàng Than đến Hàng Bún) là đất làng Yên Thành và Yên Ninh. Đình Yên Thành ở phố Phan Huy Ích, đình Yên Ninh ở phố Phó Đức Chính, Đoạn này được vào quy hoạch thành phố Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX, từ khi có chợ Đồng Xuân. Nhà gạch thay thể nhà lá nhưng cũng chỉ một hai tầng thuộc dân buôn bán nhỏ. Đoạn giữa là đất thôn Yên Canh. Đình Yên Canh ở phố Cửa Bắc. Đoạn này được "nhà gạch hoa" muộn hơn do đó có nhiều nhà kiên cố hơn. Đáng chú ý là ở đây có số nhà 80 vào những năm 1936-1940 là trụ sở báo Ngày nay và nhà xuất bản Đời nay của nhóm Tự lực văn đoàn được bạn đọc tư sản và tiểu tư sản hâm mộ. Song đến năm 1946 một số thành viên Tự lực văn đoàn chống lại Cách mạng, tham gia tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng phản động, biến nhà 80 Quan Thánh thành trụ sở chính của tổ chức đó. Nó chỉ được dẹp sau khi ta khéo léo đuổi được quan thày của họ là quân đội Tàu Tưởng về nước.
Còn đoạn đầu phía tây thì lại là khu vực mà thực dân mở mang khá sớm, trước cả khi có phủ Toàn quyền 1906, trường Bưởi 1907. Mở đầu bên số lẻ là một nghĩa địa dành cho người Pháp có từ năm 1885. Bên dãy chẵn, sát cạnh đền Quan Thánh là văn phòng nhà máy gạch lập năm 1898 (khu sản xuất của nhà máy này ở phía sau bên bờ hồ Trúc Bạch). Nay văn phòng đó thuộc khuôn viên của một cơ sở y tế. Tiếp đó là số nhà 190, một thời là cửa hàng ăn uống nay là trường Nguyễn Tri Phương thì năm 1928 là Nhà máy rượu bia Zitech.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn