Vị trí và Lịch sử: Chạy ven bờ sông Hồng, từ cuối phố Nghĩa Dũng đến bốt điện Phúc Xá. Đây chính là đất bãi Phúc Xá cũ, vốn có tên là Cơ Xá Tây Biên vì là một bộ phận của cụm cư dân có từ đời Lý, tên là An Xá, đến đời Lý Thần Tông đổi thành Cơ Xá. Sau đó phân ra Cơ Xá Trung Hà tức Bãi Giữa ở giữa lòng sông Hồng, Cơ Xá Bắc Biên nay là xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Cơ Xá Nam Biên nay là khu vực các phố Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn. Năm 1911, Cơ Xá Tây đổi là Phúc Xá. Năm 1947, ngày 17-2, khi Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Liên khu I, đã qua gầm cầu Long Biên và theo con phố Phúc Xá này để lên Tam Tổng (tức Tứ Liên nay) rồi vượt sông Hồng sang bên Đông Anh.
Tiểu sử: Làng Phúc Xá nguyên có tên là Cơ Xá, một làng có lịch sử xa xưa. Ông Vũ Tuấn Sán trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 75 có cho biết rằng căn cứ vào bài minh khắc trên chuông chùa An Xá, tìm thấy ở chùa Bắc Biên (xã
Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm) thì Lý Công Uẩn năm 1010 đã xây cung điện trên đất làng An Xá, nên cho dời làng đó ra bãi sông Hồng. Làng đó chính là quê hương của Lý Thường Kiệt. Năm 1132, Lý Thần Tông đổi gọi là phường Cơ Xá. Lúc ấy phường này có một phạm vi rất rộng, có thể là bao gồm suốt một dải đất ven bãi sông Hồng, từ Yên Phụ xuống đến bãi Đồng Nhân. Vào đầu thế kỷ XIX phường này chia ra làm một số phường thôn nhỏ, riêng thôn Cơ Xá nhỏ thì thuộc về tổng Tả Túc huyện Thọ Xương. Tới năm Duy Tân thứ 4 (1911) mới có tên là Phúc Xá, nhưng phạm vi thì đã thu hẹp nhiều.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn