Phố Nguyễn Trường Tộ

Vị trí: Dài 612 mét, đi từ phố Hàng Than đến phố Châu Long. Đây nguyên là đất của các thôn Yên Thành, Yên Ninh và Yên Viên thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Phố này có một số đình chùa cũ: bên dãy số chẵn là chùa Linh Sơn ở số nhà 46 và đình Yên Viên ở số nhà 80 (mặt chính quay ra phố Cửa Bắc, là số nhà 66). Cả hai ngôi chùa này đã bị bom Mỹ phá hủy vào năm 1967.

Bên dãy lẻ có đền Hà An số nhà 77 thờ Trần Hưng Đạo, mới lập năm 1920, và chùa Phúc Viên số nhà 111, mới đại tu năm 1952 nhưng kỳ thực là một chùa cổ. Đó chính là chùa Vĩnh Phúc, chùa của thôn Yên Viên cũ.

Trên bản đồ Hà Nội 1873 có đánh dấu vị trí ngôi chùa Linh Sơn (tức nay là số nhà 46 phố Nguyễn Trường Tộ) ở ngay trên doi đất ăn nhô ra hồ Mã Cảnh. Như vậy là đa số phần đất bên dãy số chẵn của phố này vốn là đất hồ xưa. (Mãi đến năm 1918-1919 thực dân Pháp mới lấp hồ ấy, lập ra các phố Phạm Hồng Thái, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu v.V...). Trường phổ thông Trung học Nguyễn Trường Tộ ở đầu phố này, số nhà 2, nguyên nằm gọn trong lòng hồ. Năm 1918, thực dân mới lấn hồ và xây trường học này lên.

Thời Pháp thuộc, đây là phố Giăm-be (rue Jambert). Tên hiện nay được đặt từ sau Cách mạng.

 

Tiểu sử nhân vật: Nguyễn Trường Tộ (1828-1871)người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo, từ thuở nhỏ ông đã học chữ Hán nhưng không thích lối văn chương khoa cử. Khoảng 20 tuổi, ông theo giám mục Gô-chi-ê (Gauthier) sang Pháp học ít lâu.

Năm 1866, triều đình Huế phái ông cùng đi với Gô - chi - ê sang Pháp mua máy móc và thuê thợ chuyên môn. Công việc đang tiến hành thì có lệnh gọi về, vì tháng 6 năm đó, thực dân Pháp lật lọng, đánh chiếm nốt tỉnh ở phía Tây Nam Kỳ. Ông mất năm 1871, mới 44 tuổi. 

Là một người công giáo yêu nước và có học vấn cao, Nguyễn Trường Tộ đã đề ra một chương trình cải cách xã hội viết thành 14 tập gọi là "Điều trần" mà ông đã gửi lên vua Tự Đức rải rác từ năm 1863 đến năm 1871. Nhưng vua Tự Đức đã xếp tất cả vào kho sách.

Nguyễn Trường Tộ thực ra có một tầm nhìn sáng suốt hơn nhiều nho sĩ đương thời. Song những đề nghị cải cách của ông chưa phải là những cái căn bản và phần nào có tính chất không tưởng. Tuy nhiên ông vẫn xứng đáng là một nhà nho - công giáo thông thái, yêu nước và tiến bộ.

 

Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.

 

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI