Vị trí: Dài 1.688 mét, đi từ ngã sáu Cửa Nam (vườn hoa Bách Việt cũ) tới phố Kim Mã. So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì đây là con đường chạy song song dọc theo ngoài hào của bức tường phía nam thành Thăng Long đời Nguyễn. Con đường này đi qua nhiều thôn xóm, tính từ đông sang tây là các thôn: Vĩnh Xương (thuộc tổng Tiền Nghiêm, sau đổi là tổng Vĩnh Xương). Văn Mặc, Đỉnh Tân, Cổ Thành (thuộc tổng Hữu Nghiêm, sau đổi là tổng Yên Hòa) và thôn Thanh Ninh (thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận). Tới giữa thế kỷ XIX, hai thôn Văn Mặc, Đỉnh Tân hợp nhất thành thôn Văn Tân; thôn Cổ Thành thì hợp nhất với Hậu Giám thành thôn Cổ Giám. Còn thôn Thanh Ninh thì sáp nhập vào thôn Phụ Bảo thành thôn
Thanh Bảo. Nay, chỗ số nhà 31 phố Nguyễn Thái Học chính là đình thôn Vĩnh Xương cũ, hiện còn 2 tấm bia đá gắn ở tường ngoài. Đình thôn Văn Tân thì ở bên phố Nguyễn Khuyến số nhà 82. Đình thôn Cổ Thành là số nhà 147 phố Nguyễn Thái Học. Đình Thanh Ninh ở chỗ số nhà 1 phố Sơn Tây, cách phố Nguyễn Thái Học vài chục mét về bên phía bắc.
Thời Pháp thuộc, đây là phố Đuy-vi-li-ê (rue Duvillier). Nhưng nhân dân vẫn quen gọi là phố Hàng Đẫy vì ở đoạn đầu phố, chỗ giáp đường Lê Duẩn ngày trước là nơi sản xuất và bày bán các thứ đẫy, túi... Sau Cách mạng, đổi là phố Phan Chu Trinh. (Lúc đó, phố Nguyễn Thái Học là phố Phó Đức Chính bây giờ). Thời tạm chiếm, đổi ra tên hiện nay. Hồi ấy, Quận ủy quận Nội thành đã từng đặt văn phòng bí mật ở số nhà 53 phố này. Khi đó, một đồng chí đã đứng ra mở lò bánh kẹo để che mắt địch (suốt từ năm 1951 đến ngày giải phóng Thủ đô, trụ sở này không bị lộ).
Hiện nay, số nhà 175 phố Nguyễn Thái Học là cổng nhà máy in Tiến Bộ. Thời Pháp thuộc khoảng hai thập kỷ 20 và 30, đây nguyên là Trại Con Gái tức khu nhà ở của vợ con lính khố đỏ đóng trong thành. Năm 1942, thực dân xây ở đây xưởng Đúc Tiền. Nguyên từ trước, các tiền kim khí đều đúc ở bên Pháp. Khi chiến tranh thế giới bùng nổ (1939) nước Pháp bị Đức chiếm và giao thông đường biển nhiều trở ngại, thực dân mới mở xưởng Đúc tiền ở Hà Nội. Đúc ra tiền năm xu, một xu, nửa xu, tiền Khải Định thông bảo và Bảo Đại thông bảo (to bằng vẩy hến!)
Sau Cách mạng, ta cũng đúc tiền bằng nhôm tại đấy. Thời tạm chiếm (1947 - 1954) thực dân biến nơi đây thành trại giam các chiến sĩ và quần chúng cách mạng. Sau này tiếp quản Thủ đô, ta xây dựng thành nhà máy in Tiến Bộ.
Tiểu sử nhân vật: Nguyễn Thái Học (1908-1930) người làng Thổ Tang, huyện Vinh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Ông từng là sinh viên trường Sư phạm rồi Thương mại và là thủ lĩnh Việt Nam quốc dân Đảng, một đảng cách mạng theo đường lối dân chủ tư sản, thành lập ngày 25-12-1927 và tan rã vào năm 1930.
Sau vụ một đảng viên Đảng này ám sát tên trùm mộ phu Ba-đanh (Bazin) ở trước cửa nhà số 110 phố Huế tối giao thừa 9-2-1929, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp. Nhiều cơ sở bị vỡ. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu chủ trương khởi nghĩa để may ra cứu vãn tình thế! Nguyễn Thái Học chịu trách nhiệm chỉ huy các tỉnh miền xuôi như Hải Dương, Kiến An... Nhưng do mệnh lệnh không thống nhất, chuẩn bị không kịp, nên các nơi hành động không như dự định. Ở Hải Dương, Thái Bình thì mãi đến ngày 15-2-1930 mới nổi dậy.
Tuy có chiếm được vài huyện ly. (như Vinh Bảo, Phụ Dực), nhưng chỉ vài ngày là bị thực dân đàn áp ngay. Và sáng ngày 20- 2-1930, Nguyễn Thái Học bị bắt ở ấp Cổ Vịt thuộc huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Sau đó ông bị xử tử hình và lên đoạn đầu đài ở thị xã Yên Bái ngày 17-6-1930. Lúc ấy ông mới 23 tuổi.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn