Vị trí: Dài 252 mét, đi từ phố Hàng Than đến phố Phó Đức Chính. Đây nguyên là phần đất thôn Yên Ninh hạ, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay, ở số nhà 45 vốn là đình của thôn này, thờ thần Cao Sơn, một tướng của Sơn Tinh Tản Viên (xem thêm mục Kim Liên). Thời Pháp thuộc, đây là phố Tiền Quân Thành. Tên hiện nay được đặt ra sau Cách mạng.
Tiểu sử nhân vật: Nguyễn Khắc Nhu người làng Song Khê, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Ông đỗ đầu xứ nên thường gọi là ông Xứ Nhu. Ông đã lập ra nhóm "Việt Nam dân quốc" ở vùng. Bắc Giang để mưu việc chống Pháp. Cuối năm 1927 Việt Nam quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu được thành lập, đã mời Nguyễn Khắc Nhu tham gia. Ông liền sáp nhập tổ chức "Việt Nam dân quốc" vào đảng mới và trở thành một thủ lĩnh có uy tín.
Năm 1929, Việt Nam quốc dân Đảng bị khủng bố mạnh. Nguyễn Khắc Nhu cùng Nguyễn Thái Học chủ trương bạo động. Ông được phân công chỉ huy cuộc nổi dậy ở các tỉnh miền ngược (Yên Bái, Phú Thọ...). Thời gian khởi sự định là tối ngày 9-2-1930. Đúng hẹn, nghĩa quân do ông điều khiển đánh đồn Hưng Hóa và Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ). Ở Hưng Hóa không đạt kết quả gì, ông liền kéo quân tiếp viện cho Lâm Thao, kết quả là hạ được đồn này. Nhưng viện binh Pháp kéo đến và trong khi chiến đấu, ông đã bị thương rồi bị giặc bắt. Chúng giải ông về Hà Nội. Khi qua sông Hồng, ông đã nhảy xuống sông tự tử. Chúng vớt ngay lên rồi đem giam ở nhà tù Hưng Hóá. Tại đây ông đã đập đầu xuống sàn để chết.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn