Phố Kim Mã

Phố Kim Mã

Vị trí: Dài 2.570 mét, nối liền với phố Nguyễn Thái Học, cũng có nghĩa là với phố Sơn Tây và thông ra phố Cầu Giấy. So với bản đồ Hà Nội 1831 thì đây cũng đã là một con đường thẳng băng (như ngày nay) đi từ góc tây nam thành Thăng Long thời đó tới cầu Giấy bắc ngang sông Tô. Và ở chỗ bây giờ là đoạn nối với phố Sơn Tây - cũng là nối với phố Nguyễn Thái Học - vốn có một cửa ô, tên là ô Thanh Bảo. Đây là cửa ô mở qua bức tường phía tây của thành đất vòng giữa bao bọc quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa. Cửa ô này còn có tên nôm là Ô Cầu Giấy (đừng lầm với Cầu Giấy là một địa điểm trên bờ sông Tô). Pháp phá bỏ cửa ô làm thành bến ô tô Kim Mã. Từ cửa ô này đến đoạn chùa Kim Sơn (số 73 phố Kim Mã) thời Pháp thuộc được gọi là phố Tám Mái. Gọi là Tám Mái vì ở chỗ nay là khu bến ô tô thì vào thời kỳ 1910 - 1930 có chiếc cổng dẫn vào khu Sở Vệ sinh của Năm Diệm, cổng xây chồng diêm tám mái. Năm Diệm vốn thầu được việc dọn phân trong các phố. Ông ta thuê luôn khu vực cửa ô có nhiều hồ ao, xây bể chứa phân (để bán cho nông dân ngoại thành) và dùng hồ ao làm nơi rửa thùng. Ở cuối khu này, quay ra đường Cát Linh ông ta mở nhà máy gạch, tức nay là khu khách sạn Horison. "Phố Tám Mái" được coi như kết thúc ở chùa Kim Sơn. Giữa phố có rạp hát Tân Lập Ban và rạp chiếu bóng Tam Kỳ. Quanh đó là một số nhà "cô đầu" (hát ả đào) hạng rẻ tiền.

 

Lịch sử: Phố Kim Mã nguyên cũng là nền còn sót lại của một tòa thành khác (hoặc là con đường chạy dọc theo thành này). Có thể là tòa thành bao quanh khu hoàng thành đời Lý Trần.

Ngày nay phố Kim Mã chạy giữa một bên (phía bắc) là làng Vạn Phúc và một bên (phía nam) là làng Kim Mã. Thực ra ranh giới hai làng này không rành rọt thẳng băng cho như con đường mà lại đan xen da báo. Ví như đoạn đầu phố Kim Mã là đất làng Kim Mã, nhưng tính từ đông sang tây thì chỉ quá chùa Kim Sơn vài chục mét lại là đất của làng Vạn Phúc. Đi ra thêm khoảng trăm mét lại trở lại đất làng Kim Mã. Tất nhiên bên phía bắc vẫn là đất Vạn Phúc. Lối rẽ vào làng Vạn Phúc nay là ngõ 192 Kim Mã. Ngõ này dẫn vào đình Vạn Phúc. 

Làng Kim Mã vốn là một xóm của thôn Liễu Giai, ở vào chỗ bây giờ là đoạn gần cuối phố Đội Cấn, nơi có đường Đốc Ngữ rẽ sang khu Quần ngựa cũ. Về sau, một số dân xóm ấy mới dời xuống cư trú ở chỗ làng Kim Mã ngày nay, lập ra làng mới. Do vậy làng gốc có tên là Kim Mã Thượng. Tuy nhiên có tài liệu cho rằng làng gốc chính là làng Kim Mã phía đông, vì có đình cổ hơn. 

Tương truyền rằng làng Kim Mã vốn có tên là Tàu Mã hoặc Mã Trại, là nơi nuôi ngựa của các triều vua xưa.

Hiện nay ngôi đình làng Kim Mã vẫn còn ở chỗ số nhà 213 rẽ vào, là nơi thờ Linh Lang, Phùng Hưng và Thái tể họ Hoàng. Điều này càng nói lên cái "gốc Liễu Giai" của làng Kim Mã (Liễu Giai và Vĩnh Phúc là hai nơi thờ chính chàng dũng sĩ họ Hoàng, xem mục Hoàng Hoa Thám). 

Còn nơi có số nhà 73 là ngôi chùa Kim Sơn. Chỗ này nguyên là bãi pháp trường đời Lý (thế kỷ XI, XII). Mồ mả ngổn ngang nên dân quanh vùng có lập một am nhỏ để thờ cô hồn gọi là am Vạn Linh. Đến năm 1881 xây thành chùa gọi là chùa Tàu Mã. Năm 1898 tu sửa lại theo quy mô hiện nay gọi là chùa Kim Sơn.

Bên phía bắc của đường Kim Mã, giữa những vạt hồ ao, nổi lên một gò đất cao, quen gọi là núi Bò. Sở dĩ có tên đó là do thời xưa đám rước từ Vạn Phúc Hạ (hoặc từ Thụy Khuê) sang đền Voi Phục khi qua núi này, đô tùy khiêng kiệu phải bò (như thế để giữ cho kiệu thăng bằng, đồ thờ cúng không bị đổ). Có tài liệu cho làng Kim Mã phía đông (cũng như làng Vạn Phúc) là gốc, còn làng ở phía tây là mới tách ra. Còn phải có thêm tư liệu để khẳng định vấn đề này.

 

Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.

 

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI