Phố Hoàng Văn Thụ

Vị trí và Lịch sử: Dài 420 mét, đi từ đường Hoàng Diệu tới đường Hùng Vương. Đây là con đường dẫn thẳng tới cổng chính Phủ Chủ tịch và là cạnh phía bắc của quảng trường Ba Đình.

Thời Pháp thuộc có tên là đại lộ Cộng hòa (avenue de la République). Sau Cách mạng được gọi là đại lộ Dân quyền. Từ ngày giải phóng Thủ đỗ ta đổi ra tên hiện nay. 

Theo các công trình nghiên cứu về Hà Nội cổ thì tại đường phố này có một di tích đang lưu ý: đó là núi Khán Sơn, ở vào chỗ cuối phố, nơi đối diện với cổng Phủ Chủ tịch. Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: "Núi Khán Sơn ở lệch về phía tây bắc trong thành tỉnh (Hà Nội) chu vi hơn 30 trượng. Đời Lê, Thuần hoàng đế thường lên núi này xem quân sĩ diễn tập nên gọi tên núi là Khán Sơn". Như vậy thì núi này thực ra chỉ là một cái gò đất chu vi khoảng trên 90 mét (mỗi trượng dài khoảng 3,10 mét), theo đó đường kính chỉ khoảng 30 mét. Còn Thuần Hoàng đế chính là vua Lê Thánh Tông (1442-1497). Sách Tây Hồ chí cũng ghi rằng Lê Thánh Tông thường dùng nơi này làm đài quan sát quân sĩ tập luyện, do đó mà thành tên. Đời Lê Thần Tông, khoảng những năm Vĩnh Tộ (1619-1620) vua đã cho dựng một ngôi chùa trên núi, gọi là chùa Khán Sơn. Năm 1620, Thần Tông nhường ngôi cho con trưởng, ra tu ở đó. Vì vậy tại chùa này có tượng của Thần Tông tạc vào những năm Dương Đức (1672-1674). Về sau chùa đổ nát, tượng được dời về chùa Huy Văn (ở trong ngõ cùng tên, phía sau phố Hàng Bột). 

Đến đời Gia Long năm thứ 2 (1808) xây lại thành Thăng Long thì núi Khán nằm trong nội thành về mé tây bắc. (Thành này tới năm 1831 thì đổi tên ra là thành tỉnh Hà Nội).

Khoảng giữa thế kỷ XIX, một số nhân sĩ đã góp công của dựng trên núi Khán một tòa nhà đặt tên là Khán Sơn đình làm nơi hội họp, bàn luận thơ văn. Khi khánh thành, nhiều nhà văn học nối tiếng như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Đặng Huy Tá... có thơ ca vịnh, sau tập hợp lại thành sách với nhan đề là Khán Sơn đình thi tập. Trong tập thơ này có một bài Tựa của Hoàng giáp Lê Hữu Thanh khi đó làm Bố chính tỉnh Hà Nội. Thì chính bài Tựa này có một đoạn cũng góp phần xác minh vị trí của núi Khán là ở chỗ góc phía tây trong thành cũ tức là đoạn cuối phố Hoàng Văn Thụ ngày nay: "Tháng ba, mùa xuân Quý Hợi (tức 1863)' nhân rảnh việc công, tôi (tức Lê Hữu Thanh) đến thăm núi Khán ở góc phía tây trong thành".

Vấn đề vị trí núi Khán như vậy là khá rõ. Tới năm 1894 thực dân phá thành Hà Nội, bạt luôn cả núi Khán để rồi sau đó xây ở chỗ ấy một trường trung học dành riêng cho con cái chúng (sau này gọi là trường Xa-rô).

Tuy nhiên, xem bản đồ Thăng Long vẽ đời Hồng Đức thì núi Khán lại là quả núi nằm ngoài tòa thành Thăng Long thời đó, ở vào khoảng các làng Đại Yên, Vĩnh Phúc ngày nay. Như vậy thì có thể núi Khán ấy trùng với núi Cung hay núi Voi mà nay vẫn còn tồn tại ở các làng đó. Vậy thì núi Khán đời Lê khác với núi Khán đời Nguyễn chăng? Ngoài ra, xem bản đồ Hà Nội vẽ năm 1831 thì ở góc phía tây trong thành Thăng Long có thấy vẽ một quả núi nhưng lại chua tên là Thổ Sơn tức là Núi Đất. Trong khi đó quả núi trong vườn Bách Thảo ngày nay lại được chua tên là Xuân Sơn tức Núi Xuân. Cho nên trên thực trạng này, chỉ có thể nhận định như sau: ở đoạn cuối phố Hoàng Văn Thụ, gần tới đường Hùng Vương, xưa có một quả núi đất, núi này vào khoảng giữa thế kỷ XIX có tên là Khán Sơn. Còn như núi Khán này có phải là núi Khán đời Lê không thì cần nghiên cứu kỹ thêm nữa. 

 

Tiểu sử nhân vật: Hoàng Văn Thụ (1906-1944) quê xã Nhân Lý, huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, dân tộc Tày. Năm 21 tuổi (1927) ông đã vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc) tìm gặp các tổ chức cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại đó. Năm 1935, tháng 3, ông dự Đại hội Đảng lần thứ nhất tại Ma Cao (Trung Quốc).

Năm 1938, được bổ sung vào Xứ ủy Bắc Kỳ. Mùa thu năm này ông hoạt động ở Hà Nội, ít lâu sau ông được cử đi chỉ đạo vùng mỏ. Sang năm 1939 ông mới trở về Hà Nội. Tại hội nghị Xứ ủy ngày 8-9- 1939 ông được bầu làm Bí thư Xứ uỷ.

Tháng 11-1940, hội nghị Trung ương lần thứ bảy họp ở Đình Bảng (Bắc Ninh) đã cử ông vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và trực tiếp chỉ đạo phong trào Bắc Sơn, Võ Nhai. Cũng chính ông đã cùng Tỉnh ủy Cao Bằng bố trí đón Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Bó vào khoảng tháng 2-1941. Sau đó ông trở lại Hà Nội. Tháng 8-1943, vì có kẻ phản bội, ông bị mật thám bắt tại một cơ quan binh vận đặt trong ngõ Năm Diệm, khu Tám Mái (nay là khoảng đầu phố Giảng Võ). Thực dân đưa ông ra tòa, kết án tử hình. Ngày 24-5-1944 chúng thi hành án tại trường bắn Tương Mai.

 

Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.

 

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI