Phố Hàng Than

Phố Hàng Than

Vị trí và Lịch sử: Dài 408 mét, đi từ đường Yên Phụ đến chỗ nối phố Hàng Đậu và phố Quán Thánh. Trong thời gian mấy chục năm gần đây, phố này nổi tiếng không phải vì có những hàng bán than mà vì có những cửa hàng làm bánh cốm! Bánh cốm Hàng Than đã từng và đang là đặc sản của Hà Nội.

Trước đó thì phố này mới đúng là có những nhà bản than, chủ yếu là các loại than tàu (từ vùng Quảng Yên chuyển về, than từng khúc chắc, đượm), than hoathan hạt dưa (từ Yên Bái, Phú Thọ chở xuống). Than hoa dùng sắc thuốc, nướng chả, nấu chè, cháo.. than hạt dưa chủ yếu là sấy chè sen. 

Những năm đầu thế kỷ XX có dăm bảy nhà như nhà bà cụ Hậu số nhà 6. Ngược dòng thời gian lên xa xưa hơn nữa thì ở đây còn có nghề nung vôi. Nguyên hồi đó sông Cái còn ở sát chỗ chân đê ngày nay (đê cũng còn rất thấp) và như vậy phố này là một bến sông. Thuyền Nam, thuyền Đoài thường xuyên cập bến, bốc đá cung ứng cho các lò vôi bên vệ đề. Ngày ấy, đây là phường Giang Tân, sau đổi ra là Hà Tân, rồi lại đổi ra là Thạch Khối. Trong Dư địa chí, phần nói về đất Thượng Kinh tức là Hà Nội, Nguyễn Trãi có chép: "Phường Hà Tân nung vôi". 

Ngày nay ở số nhà 64 đường Yên Phụ còn có đình Thạch Khối thượng và ở số nhà 12 phố Hàng Than còn có đình Thạch Khối hạ. (Cả hai đình đều thờ Uy Linh Lang, một nhân vật truyền thuyết có công chống giặc Nguyên mà nơi thờ chính là đình An Thọ ở phố Phó Đức Chính. Tiếc là đình Hạ đã thành chung cư cao tầng. 

Đó là đoạn đầu phố Hàng Than. Còn đoạn giữa là địa phận thôn Hòe Nhai. Thôn này cùng với thôn Thạch Khối đều thuộc huyện Vĩnh Thuận. Tới giữa thế kỷ XIX, Hòe Nhai đổi ra là Giai Cảnh. Đền Giai Cảnh ở số nhà 54, cũng thờ Uy Linh Lang, nay là trụ sở Ủy ban phường Nguyễn Trung Trực

Còn đoạn cuối phố là đất thôn Yên Thuận. Đền Yên Thuận thượng số nhà 25 và đền Yên Thuận hạ là ở số nhà 39. Thôn Yên Thuận cũng thuộc huyện Vĩnh Thuận.

Chùa Hòe Nhai ở số nhà 19. Chùa này còn được gọi là Hòa Giai, vốn có tên chữ Hán là Hồng Phúc Tự, tương truyền là được xây dựng từ đời Lý. Phạm vi chùa này trước kia khá lớn; sang thời Pháp thuộc đã bị thu hẹp nhưng quy mô vẫn còn rộng như ta thấy ngày nay. Phía trước là chính điện thờ Phật. Phía sau là thờ tổ và tăng phòng. Xung quanh là hành lang. Ở chính điện có pho tượng Cửu Long có thể coi là cổ nhất so với các tượng của chùa này nói riêng và của các chùa ở Hà Nội nói chung. Đặc biệt lại còn có một pho tượng mà chẳng chùa nào, cả trong Nam, ngoài

Bắc có được. Đó là tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông Vua quỳ mọp ở bên dưới. Vua này là ai và sự tích pho tượng hiện chưa có giải đáp chính xác. 

Thời đầu Pháp thuộc, đầu dốc Hàng Than có hai xí nghiệp của tư bản Pháp là nhà máy rượu Wurhlin và nhà máy rượu Denoc. Nhà máy trên theo tư liệu năm 1814, sản xuất mỗi ngày 500 lít rượu. Đốt hết 30 tấn củi 1 tháng. Còn nhà máy dưới chuyên nấu ra rượu Rhum bằng mía. Có lẽ họ đặt nhà máy ở đây vì tiện sát bến sông Hồng, sẵn than củi và chuyên chở nguyên liệu. Không rõ các nhà máy này đóng cửa năm nào. Chỉ biết là vào thập kỷ 20 của thế kỷ XX thì đầu phố có mấy nhà cho thuê xe tay. Chỗ đầu dốc là nơi giao đổi xe và các phu xe thay quần áo. (Ngày ấy phu xe tức người kéo xe, còn gọi là cu-li xe, phải mặc đồng phục của từng hiệu xe).

Dãy phố này cũng có nhiều hiệu thuốc đông y chuyên bán các loại thuốc cao đơn hoàn tán chế biến sẵn và vài phương thuốc gia truyền về phụ khoa, hoa liễu...

Đến năm 1940 ở Hàng Than xuất hiện một cửa hiệu đầu tiên chăm sóc sắc đẹp của phụ nữ ở Hà Nội, đó là "AMY mỹ viện" số nhà 26.

Bây giờ trở lại bánh cốm Hàng Than. Khởi đầu có người làng Lủ - là làng có nghề làm bánh kẹo - cư trú ở đây mở ra hiệu Nguyên Ninh làm bánh cốm có cải tiến, đóng gói bao bì đẹp (bằng lá chuối xanh, buộc lạt nhuộm đỏ). Các nhà phường phố không mua cốm hạt nữa mà mua bánh cốm Nguyên Ninh làm đồ sêu tết. Hàng Nguyên Ninh với cơ sở chính gốc nhà số 13 ngày càng nổi tiếng và cho tới nay con chấu phát triển thành ba bốn cửa hàng nữa. Gần đây dân phường phố giàu lên, cưới xin linh đình nên bánh cốm cũng được thể phát triển.

Ngày nay, Hàng Than có không biết cơ man nào là hàng bánh cốm: Anh Ninh, Ngọc Ninh, An Ninh, Ninh Ninh, v.v... và không chỉ bán có bánh cốm mà người ta còn sắp xếp đủ một lễ ăn hỏi: cau, trầu, bánh cốm, bánh xu xê, chè, thuốc... bao bì đẹp mắt, tiện lợi cho khách hàng.

Có điều đáng nói là bánh cốm ngày nay không để nguyên cả hạt như hai ba chục năm trước mà xay nhỏ cốm ra cho nên hương vị thiếu đi sự đậm đà nguyên sơ.

Phố Hàng Than thời Pháp thuộc thực dân cũng dịch nguyên văn ra tiếng Pháp: Rue du Charbon. Sau Cách mạng ta phục hồi tên gọi cổ truyền.

 

Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Đình Phúc. 

 

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI