Vị trí và Lịch sử: Dài 272 mét, đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Phan Đình Phùng. Đây nguyên là đất thôn Phúc Lâm (nửa phố phía đông) thuộc tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) (") và thôn Nghĩa Lập (nửa phố phía tây) thuộc tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đông Xuân).
Dấu vết các thôn này là những đình miếu cũ: đình Phúc Lâm ở số nhà 2 phố Gầm Cầu (xem thêm mục này). Đình và đền Nghĩa Lập ở số nhà 32 phố Hàng Đậu.
Ngoài ra ở phố này, chỗ ngã tư Hàng Đậu - Nguyễn Thiếp xứa có một cửa ô, tên là cửa ô Phúc Lâm. Dân chúng thì gọi một cách nôm na là cửa ô Hàng Đậu. (Tới giữa thế kỷ XIX, cửa ô này đổi tên là Tiền Trung). Dáng dấp cửa ô này cũng tương tự như cửa ô Quan Chưởng còn lại tới nay. Bên ngoài cửa ô là một bến sông đông vui: bến Chùa Bà Móc. (Xem thêm mục Nguyễn Thiếp). Vào cuối thế kỷ XIX ở phố Hàng Đậu có một trường học nổi tiếng: đó là trường của tiến sĩ Lê Đình Duyên, nay là số nhà 39. Lê Đình Duyên (còn đọc là Diên) (1819-1878) nguyên người làng
Mọc Hạ Đình (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đỗ nhị giáp tiến sĩ năm 1849, trải làm các chức học quan: đốc học Nghệ An, tư nghiệp Quốc Tử Giám, đốc học Hà Nội... Năm 1870 ông về hưu, mở trường dạy học ở phố Hàng Đậu. Ngày 20-6-1873 vì ngăn cản không cho tên lái buôn - gián điệp Duy-puy vẽ cổng thành Hà Nội, ông đã bị tên này hành hung.
Ông lấy hiệu là Cúc Hiên, nên trường của ông mở còn có tên là trường Cúc Hiên. Ban đầu trường chỉ là một ngôi nhà năm gian bằng tre lá. Về sau, học trò chung nhau xây dựng bằng gạch để tỏ lòng kính yêu thày. Từ bấy đến nay, Từ bấy đến nay, hơn một trăm năm, tuy có sửa chữa lại những quy mô kiểu cách thì vẫn y như ngày mới xây dựng: ngoài là cửa cổng, trong cổng là bình phong gạch. Tiếp đó là nhà tiền tế, nơi dạy học và nhà thờ gia tiên. Nếp nhà ở trong cùng mới là nơi ở. Ở nhà tiền tế còn có bức hoành "Quân tử thành mỹ" do một học trò cũ là Vũ Nhự, làm đốc học Hà Nội cung tiến năm 1881.
Trường Cúc Hiên ở 39 Hàng Đậu vừa là một quần thể nhà kiểu cổ được bảo vệ tốt, vừa là di tích một trường học nổi tiếng của Hà Nội cuối thế kỷ XIX. Sở dĩ có tên là Hàng Đậu, vì nơi đây vốn có nhiều cửa hàng bán các thứ đậu hột như đậu xanh, đậu nành, đậu đen... Thời Pháp thuộc gọi là "phố các hạt" (rue des Graines) cũng là dịch thoát cái tên cổ truyền phố Hàng Đậu. Ngoài ra, cái tên Hàng Đậu còn được đặt cho một cái ngõ ở bên dãy số chẵn phố này, nối phố này với phố Hồng Phúc.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn