Phố Giảng Võ

Vị trí và Lịch sử: Dài 1.500 mét, đi từ cuối phố Nguyễn Thái Học đến ngã tư đường La Thành - Láng Hạ. Đây nguyên là một đoạn của bức tường phía tây của tòa thành đất "vòng giữa" bao bọc khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long cũ. Đoạn tường thành này trừ phần đầu là thuộc địa phận làng Kim Mã, còn thì là ranh giới giữa một bên (phía tây) là làng Giảng Võ, và một bên (phía đông) là làng Hào Nam. Cả hai làng này vốn là hai trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Theo sự suy luận dựa trên sử cũ và trên tên gọi quen thuộc có từ lâu đời, thì tại đây Lý Anh Tông (1138-1175) đã lập Giảng Võ Trường, là nơi huấn luyện về quân sự, võ nghệ. Sang đời Trần, có lẽ trường Giảng Võ lập ở nơi khác, chỗ này chỉ là một Võ Trại, có dân cư ở xen lẫn. Thần tích vị thành hoàng làng Giảng Võ kể rằng: Châu Nương là con gái ông Lý Quỳnh, người làng Cổ Pháp (nay là vùng chợ Dầu - Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh). Mẹ là người làng Giảng Võ. Nàng Châu chăm học, chăm làm, có trí lớn. Sau lấy Trần Thái Bảo (hay chức quan thái bảo họ Trần) làm Đốc bộ ở Hoan Châu (Nghệ An). Ngày ấy quân Nguyên xâm lược nước ta. Thành Hoan Châu bị địch vây, Đốc bộ Trần trao cho vợ nhiệm vụ giữ thành, còn mình rút ra Diễn Châu bổ sung thêm quân số. Nàng Châu tổ chức giữ thành, địch dù đánh gấp cũng không hạ được. 

Sau khi chỉnh đốn đội ngũ, Đốc bộ Trần kéo quân vào giải vây Hoan Châu. Quân trong thành do nàng Châu chỉ huy và quân ngoài thành của Trần Thái Bảo phối hợp đánh tan quân giặc.

Vua cho triệu hai vợ chồng về kinh, cho nàng Châu coi kho tàng ở hoàng thành và Trần Thái Bảo làm Tiền quân dực thành.

Nhưng quân Nguyên lại sang xâm lăng. Thái Bảo tử trận ở mạn sông Thao. Kinh thành bị uy hiếp. Triều đình tạm rút về Nam. Châu Nương lo phân tán mọi của cải để kho tàng không rơi vào tay địch. Khi hoàn thành thì giặc cũng vừa ập tới. Châu Nương lấy tấm khăn hồng kết thúc đời mình. Lúc quân giặc vào kho thì kho trống rỗng, chỉ có một con rắn lớn trừng trừng nhìn chúng. Chúng bỏ chạy.

Rắn liền biến đi và gió nổi lên... tấm khăn hồng bay về Võ Trại.

Sau khi giặc tan, vua Trần phong cho nàng Châu là "Quản chưởng quốc khố công chúa" tức là Bà chúa coi kho và ra lệnh cho Vỗ Trại cùng 22 nơi trong kinh thành lập đền thờ. Tại đình Giảng Võ ngày nay hiện còn đôi câu đối nhắc lại sự tích Châu Nương, người con gái anh hùng:

Tài chính túc sung quân, khổn nội mệnh văn thiên tử chiếu. 

Âm mưu năng thoái lỗ, quốc trung danh chấn nữ thần quyền.

(Của cải đủ nuôi quân khăn yếm ra tay vâng chiếu chỉ

Hồn thiêng còn đuổi giặc, non sông vang dậy tiếng quần thoa).

Ngoài ra, tại đầu phố này, bên dãy phía tây, ở đằng sau bến xe ô tô Kim Mã còn có "'Phùng Vương cố lăng" tức là "Lăng cũ vua Phùng". Tương truyền đó là mộ của Phùng Hưng, người anh hùng cứu nước hồi thế kỷ thứ VII. Đây nguyên là phần đất làng Kim Mã, bấy lâu đổ nát, mới đây đã được tu bổ khang trang. 

Vào những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, Giảng Võ cũng đã từng viết nên một trang sử chiến đấu anh hùng: nơi đây suốt ngày mùng 6 tháng 1 - 1947 một đại đội vệ quốc đoàn, Đại đội 134 đã quần nhau với trên hai trăm giặc Pháp có xe tăng, xe bọc sắt yểm hộ và đã ngăn không cho chúng thực hiện ý đồ đánh chiếm làng này hòng khống chế pháo đài Láng và cắt đứt đường liên lạc Cầu Giấy - Cầu Dừa của ta. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt! Ngoài các chiến sĩ vệ quốc đoàn còn có một tiểu đội nữ cứu thương. Các chị đã dùng lựu đạn, dao găm, mã tấu xông ra đánh giáp lá cà với giặc.

Phố Giảng Võ thời Pháp thuộc chưa có tên. Hồi đó hai bên đường là hồ ao và ruộng nương. Trên các bản đồ từ ngày hòa bình lập lại mới có tên là phố Đại La để chỉ quãng đường từ phố Nguyễn Thái Học đến phố Cát Linh. Trong đợt đổi tên phố tháng 6-1964, phố này được gọi là Giảng Võ và kéo dài tới chỗ gặp đường La Thành.

Ngày nay hai bên đường phố đã mọc lên bao công trình mới: Bộ Y tế, cửa hàng Intershop, nhiều hàng ăn, các khu nhà ở tập thể cao tầng và đặc biệt là Trung tâm Hội chợ triển lãm với quy mô rộng lớn trên 8 héc ta.


Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI