Vị trí và Lịch sử: Phố Đốc Ngữ nối đường Hoàng Hoa Thám với đường Đội Cấn dài 580 mét. Phố này chạy trên đất các làng tính từ bắc xuống là Vĩnh Phúc rồi Cống Vị, cả hai làng vốn thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận. (Xem thêm các mục Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn). Tên hiện nay mới đặt từ năm 1986. Trước đó dân gọi nôm na là đường vào Quần Ngựa. Tại sao lại gọi vậy? Xin bắt đầu từ ngày nay: bên dãy phía đông của phố này hiện có Cung thể thao tổng hợp của Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội. Từ trước năm 1901 đây là cánh đồng làng Vĩnh Phúc. Từ 1901 thực dân xây dựng bãi đua ngựa, dân gọi nôm là bãi Quần Ngựa hoặc sân Quần Ngựa. Việc tổ chức đua ngựa tồn tại mãi tới năm 1945. Thực chất đó không hoàn toàn là tinh thần thể thao mà là một lối đánh bạc được thua lớn (cá độ). Cho nên tham dự trò chơi này đều là những người giàu có. Nhưng dù sao cũng đem lại một cách chơi mới, giải trí mới. Ngày trước con đường vào Quần Ngựa chỉ mới nối phố Đội Cấn tới sân Quần Ngựa, mãi sau này mới nối tiếp sang Hoàng Hoa Thám, thành ra đường Đốc Ngữ ngày nay (cũng như đường Đội Cấn ban đầu là chỉ cốt để vào sân Quần Ngựa, sau mới làm tiếp từ chỗ ngã ba tới chỗ nay là dốc tập lái bên đường thành mà nay gọi là đường Bưởi).
Tiểu sử nhân vật: Nguyễn Đức Ngữ (1844-1892) còn có tên là Đinh Ngữ, vốn gốc họ Khuất, quê làng Xuân Vân, huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ. Ông từng là đốc binh trong quân ngũ của thống đốc Hoàng Kế Viêm, tham gia nhiều trận đánh Pháp ở Sơn Tây, Hà Nội. Sau khi Kế Viêm bị triều đình gọi về Huế, Đốc Ngữ theo Nguyễn Quang Bích tiếp tục cuộc kháng Pháp ở vùng Tây Bắc. Từ năm 1890 nghĩa quân Đốc Ngữ hoạt động độc lập, đánh đồn Bất Bạt, phá nhà tù Sơn Tây, tập kích đồn Chợ Bờ...Ông hy sinh trong trận chiến ở vùng Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ngày 7-8-1892.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn