Vị trí: Dài 668 mét, từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng. Đây nguyên cũng là con đường có từ xưa, bắt đầu từ cửa ô Yên Tĩnh (cửa ô này ở vào chỗ ngã ba đường Yên Phụ - phố Cửa Bắc và tới giữa thế kỷ XIX thì đổi gọi là cửa ông Yên Định) chạy thẳng tới cạnh phía đông của cái mang cá bảo vệ của Chính Bắc Môn (tức Cửa Bắc nay vẫn còn sót lại ở phố Phan Đình Phùng) của thành Thăng Long đời Nguyễn. Thành này xây từ năm 1804 đến năm 1805 thì xong. Thành hình vuông xây bằng gạch vồ, mở ra năm cửa: Chính Bắc, Chính Tây, Chính Đông, Đông Nam và Tây Nam. Bên ngoài mỗi cửa thành có một cái dương mã thành còn gọi là mang cá tức là một loại công sự gồm hai bức tường xây, vuông góc để bảo vệ cửa thành từ mé ngoài. Xung quanh thành là một hệ thống hào bao quanh, bề rộng tới 15 mét, do đó từ ngoài đi vào thành phải qua hai cái cầu, một xây ngang hào ở ngoài cửa mang cá, một xây ngang hào ở ngoài cửa thành chính. (Riêng mặt bắc thành này, hào là một khúc của sông Tô Lịch).
Lịch sử: Phố Cửa Bắc ngày nay trùng với con đường chạy thẳng tới cửa của mang cá (mở ở tường phía đông, nay ở vào khoảng trước cửa trường trung học Phan Đình Phùng), tiếp đó con đường này bẻ quặt về phía tây để vào cửa Chính Bắc (xem mục Phan Đình Phùng).
Dọc phố Cửa Bắc còn có nhiều đình chùa là dấu vết của các thôn xóm cũ: số nhà 18 là đình Yên Định thờ Uy Linh Lạng, một hoàng tử có công chống giặc Nguyên (Xem mục Phó Đức Chính). Số nhà 29 là chùa Phổ Quang, ngôi chùa của thôn Yên Canh cũ. Số nhà 48 là đình Yên Canh thờ Triệu Quang Phục, người anh hùng chống ngoại xâm hồi thế kỷ thứ VI. Số nhà 66 là đình Yên Viên chưa rõ thờ ai. Như vậy là phố Cửa Bắc đã đi qua địa phận các thôn: Yên Định, Yên Canh, Yên Viên tức là ba thôn của tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ.
Trừ đình Yên Định ra, các đình chùa khác đều đã bị giặc Mỹ ném bom hủy hoại năm 1967. Đáng tiếc nhất có lẽ là ngôi đình Yên Canh vì đấy là nơi duy nhất ở nội thành thờ vị anh hùng nổi tiếng về đánh du kích ở đầm Dạ Trạch. Tương truyền rằng khi đánh đuổi giặc Lương, ông đã từng đóng quân tại thôn Yên Canh này. Vì vậy mà dẫn làng thờ ông làm thành hoàng.
Thời Pháp thuộc đây là phố Đỗ Hữu Vị. Ở cuối phố có trường Sư phạm, đào tạo giáo viên bậc tiểu học cho toàn xứ Bắc Kỳ. Trường đó mở từ năm 1918, đến năm 1933 thì giải thể, được thay bằng trường Cao đẳng tiểu học có tên là trường EPSI (trường Cao đẳng tiểu học Đông Dương). Nay trở thành trường PTTH Phan Đình Phùng.
Tên hiện nay được đặt sau Cách mạng. Ngày nay, phố Cửa Bắc tự hào về một nhà máy anh hùng của mình, đó là nhà máy phát điện Yên Phụ. Tuy gọi là Yên Phụ nhưng cổng chính mở ở phố Cửa Bắc mang biển số nhà 1. Nhà máy này tuổi già nửa thế kỷ. Vào năm 1922, nhà máy điện Bờ Hồ không đủ cung ứng nhu cầu về điện của bè lũ thực dân, nên toàn quyền Đông Dương ra lệnh cho "Công, ty điện Đông Dương" xây dựng thêm một nhà máy điện nữa. Thế là trên khu ao hồ mới lập của làng Yên Ninh cũ mọc lên một nhà máy mà dân chúng gọi là nhà máy điện Yên Phụ. Năm 1930 nhà máy chính thức phát điện. Ông Lương Khánh Thiện, một nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đến với những công nhân điện Yên Phụ, giáo dục và đưa họ lên đường đấu tranh. Các lần bãi công ở nhà máy này đã làm cho thực dân càng thấy rõ sức mạnh của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng lúc đó. Trong những ngày tháng Tám năm 1945, tổ chức Công nhân cứu quốc ở đây đã tập hợp công nhân viên chức tước vũ khí quân Nhật đóng tại nhà máy này, kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cao ống khói vào đúng ngày 19-8 lịch sử.
Trong thời tạm chiếm, công nhân ở đây vẫn đấu tranh bằng nhiều hình thức như đưa yêu sách đòi cải thiện điều kiện làm việc, chống dãn thợ, và tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh giữ máy trong những ngày chờ Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô (ngày 10-10-1954). Trong những năm tháng chống Mỹ, giặc Mỹ dội bao tấn bom xuống đây, nhưng dòng điện Yên Phụ không hề bao giờ bị ngắt. Ngược lại, nhiều máy bay Mỹ đã bị chính tự vệ nhà máy này quật ngã; trưa ngày 26-10-1967 một máy bay F4 rơi ngay tại sân nhà máy. Sáng ngày 10-5-1972 lại một F4 nữa bị tự vệ nhà máy hạ bằng súng 14 ly 5. Tới tháng 12 năm ấy, giặc Mỹ trong 12 ngày liền lồng lộn trên bầu trời Hà Nội, dội bom xuống đây nhưng dòng điện Yên Phụ vẫn không hề bị gián đoạn.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn