Vị trí: Dài 504 mét, đi từ đường Điện Biên Phủ đến phố Nguyễn Thái Học. Đây nguyên là phần đất trong khu nội thành của thành Thăng Long (đời Nguyễn). Đối chiếu bản đồ Hà Nội do Babonneau vẽ năm 1885 thì phố Chu Văn An ngày ấy cũng đã là một con đường nối Hành cung với Kho lương. Thời Pháp thuộc gọi là đại lộ Van Vo-len-hô-ven (avenue Van Vollenhoven). Tên hiện nay được đặt từ sau Cách mạng.
Tiểu sử nhân vật: Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn, người thôn Quang Liệt (nay là xã Thanh Liệt), huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chưa biết ông sinh năm nào, chỉ biết ông mất năm 1370. Đỗ thái học sinh (?) trong đời Trần Anh Tông (1293-1314) những ông không ra làm quan, ở nhà dạy học, có nhiều học trò nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát... Vua Trần Minh Tông (1314-1329) vời ra làm tư nghiệp Quốc tử giám. Sang đời Dụ Tông (1341-1369) bọn quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng sớ xin chém 7 tên. Vua không nghe, ông từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cho tới khi mất.
Hiện nay ở thôn Huỳnh Cung (cạnh Quang Liệt) huyện Thanh Trì, có di tích nền nhà dạy học cũ của ông. Ở làng quê Quang Liệt có đền thờ ông. Ở khu vực nội thành, cho tới trước ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946) tại chỗ này là số 3 phố Trần Xuân Soạn là ngôi đình làng Phương Viên có thờ Chu Văn An làm thành hoàng.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn