Vị trí và Lịch sử: Dài 440 mét đi từ phố Phó Đức Chính đến phố Quan Thánh. Trừ một đoạn ở đầu phía bắc, giáp phố Phó Đức Chính, là đất thôn Lạc Chính, còn thì tất cả phố này là đất thôn Châu Yên, (có chỗ lại chính là lòng hồ Trúc Bạch). Cả hai thôn đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nhưng đó là thời gian giữa thế kỷ XIX. So với bản đồ Hà Nội 1831 thì chưa có các tên thôn ấy. Lúc đó Lạc Chính còn là hai thôn Ngũ Xã và Tứ Chính, mà Châu Yên thì cũng còn là hai thôn Châu Long và Yên Canh. Dấu vết các thôn cổ này là các đình miếu còn sót lại tới nay: số nhà 5 là đền Lạc Chính, thờ Nguyễn Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng (xem mục Ngũ Xã). Đình làng Châu Long thì ở số nhà 4 ngõ Châu Long, đã bị phá từ 1947. Chùa Châu Long ở đằng sau chợ Châu Long, tương truyền là có từ đời Trần và con gái vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) đã tu hành ở đây. Hiện trong chùa còn có bia ghi việc sửa chùa khắc vào năm 1808(1) Ngoài ra còn am Châu Long thì lại có về phía phố Cửa Bắc, số nhà 68. Đó là những dấu vết của làng Châu Long cũ. Còn làng Yên Canh thì đình và đền nay có mặt chính ăn về phía Cửa Bắc song vốn có lối sau thông ra phố Châu Long (xem mục Cửa Bắc).
Thời Pháp thuộc dãy phố này gồm hai phố khác nhau: phố Ăng-toan Bon-nê (Antoine Bonnet) ở phía bắc và phố Nguyễn Công Trứ ở phía nam.
Ngoài ra tên Châu Long còn được đặt cho cái ngõ đi từ phố Cửa Bắc, qua phố Châu Long tới phố Đặng Dung. Ngõ này thời Pháp thuộc cũng gọi là ngõ Châu Long (Ruelle Châu Long).
Trong thực tế thì cho tới tận đầu thế kỷ XX, ở khu vực các phố Châu Long, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trường Tộ nhiều chỗ vẫn là phần hồ (Trúc Bạch và Cổ Ngựa).
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn