Vị trí và Lịch sử: Dài 992 mét, đi từ đường Yên Phụ tới phố Quan Thánh, ngăn cách hồ Trúc Bạch với hồ Tây. Trước đây dân chúng quen gọi là đường Cổ Ngư. Trong "Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội". Doãn Kế Thiện dẫn sách "Long thành dật sử" giải thích rằng đường Cổ Ngư nguyên là một cái đập do dân ba làng Yên Phụ, Trúc Yên và Yên Quang đắp vào khoảng năm 1620 để chặn giữ cá, vì vậy gọi là đập Cố Ngư nghĩa là "giữ vững chắc", sau đọc chệch ra là Cổ Ngư. Thực hư thế nào chưa rõ, chỉ biết là vào năm 1620 thì chưa có hai làng Trúc Yên và Yên Quang. Vì đó là hai làng mới thành lập vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ đó, chỗ làng Trúc Yên là hai thôn. Trúc Bạch và Yên Canh, và chỗ làng Yên Quang thì cũng là hai thôn Quan Quang và Tân Yên. Còn trước đấy hàng hai thế kỷ chỗ đó là những thôn xóm gì thì chưa khảo ra được. Chỉ chắc chắn có một điều là lúc đó chưa có tên Trúc Yên và Yên Quang. Tên Yên Phụ cũng chỉ mới có từ đời Thiệu Trị (1841-1847). Trước đó là phường Yên Hoa.
Tra cứu trong các sử cũ thì có thể là đường này ra đời năm 1427. Vì Toàn thư có ghi: "Tháng 11 năm Đinh Mùi. (1427) Lê Lợi đã cho đắp lũy từ phường Yên Hoa đến Cửa Bắc thành (Đông Quan) mất có một đêm để chặn đánh quân Minh tại chỗ".
Nếu không phải như thế thì cũng Toàn thư lại có ghi một sự việc xảy ra năm 1514 đời Lê Tương Dực, cho phép ta suy đoán về nguồn gốc đường Cổ Ngư: "Đắp thành, rộng to mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa phường Kim Cổ.
Còn như so vào bản đồ Hà Nội 1831 thì đường Cổ Ngư đúng là một đoạn của tòa thành đất vòng giữa bao quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa.
Hai bên đường Thanh Niên nay còn ba ngôi đền chùa có niên đại xây dựng từ đời Lý, thế kỷ XI. Đó là chùa Trấn Quốc, đền Cẩu Nhi và đền Quan Thánh. Về đến Quan Thánh, xem thêm mục cùng tên. Đền Cẩu Nhi thì ở trên cái gò nổi giữa hồ Trúc Bạch. Ngày nay có tên gọi là "Thủy Trung Tiên từ" tức đền thờ "bà tiên trong nước", nhưng thực ra chính là đền Cẩu Nhi vốn từ núi Nùng dời tới và có từ đời Lý Công Uẩn (theo Tây Hồ chí).
Còn chùa Trấn Quốc ở trên hòn đảo Cá Vàng bên hồ Tây thì có sự tích lâu đời hơn nhiều. Tương truyền Lý Nam Đế sau khi giải phóng đất nước (năm 544) đã cho dựng trên đất phường Yên Hoa, cạnh bờ sông Cái, ngôi chùa Khai Quốc (mở nước). Đến đời Lê Thái Tông (thế kỷ XV) đổi tên là chùa An Quốc, tới đời Hoằng Định thứ 16 (1615) đổi là chùa Trấn Quốc. Cùng năm này, sợ lở đất đổ chùa nên dân phường Yên Hoa dời chùa vào hòn đảo Cá Vàng.
Đến thời Lê mạt (thế kỷ XVIII), các chúa Trịnh biến chùa này thành một hành cung (tức là nơi ăn ở của vua chúa trong khi ra ngoài cung điện). Năm 1842, Thiệu Trị ra Bắc tới thăm chùa, cho đổi tên là chùa Trấn Bắc. Nhưng cái tên Trấn Quốc đã quá quen thuộc rồi.
Chùa Trấn Quốc ngày nay còn giữ được lối kiến trúc cổ. Phía trước là tiền đường rồi đến nhà tam bảo, phía sau là hai hành lang và gác chuông. Trong chùa có nhiều bia cổ, đáng để ý nhất là bia dựng năm Dương Hòa thứ 5 (1639) do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn, ghi lại sự tích chùa như đã thuật ở trên.
Ngoài ra, ở đầu đường Thanh Niên, chỗ giáp Yên Phụ còn có một ngôi đền và một ngôi đình: đền An Thọ số nhà 42, thờ bách linh (những cô hồn) và đình thôn Nghĩa Dũng cũ ở số nhà 20, thờ Tứ vị hồng nương (xem mục Hàng Lược).
Đường Thanh Niên, thời Pháp thuộc gọi là đường thống chế Ly-ô-tây (rue Maréchal Lyautey). Hồi đó chỉ là một con đường hẹp, lòng đường không quá 4 mét. Sau Cách mạng, ta đổi gọi là đường Cổ Ngư. Trong hai năm 1958-1959, đông đảo thanh niên, học sinh Thủ đô đã tới đây lao động, đắp cao và mở rộng đường này. Hồ Chủ Tịch đã từng đến thăm công trường và gợi ý đặt tên là đường Thanh Niên. Cho nên khi hoàn thành, Ủy ban hành chính Thành phố đã có quyết định đặt tên là đường Thanh Niên. Ngày nay, qua một số đợt bồi đắp, tu sửa, đường Thanh Niên trở thành một công viên, bốn mùa hoa nở. Ở đoạn phía nam, trước cửa đền Quan Thánh có dựng tượng Lý Tự Trọng, một thanh niên cộng sản anh hùng. Đằng sau tượng là cây đa Bác Hồ trồng, cành dài bóng cả.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn