Đường La Thành

Đường La Thành

Vị trí và Lịch sử: La Thành nguyên nghĩa là một danh từ chung chỉ những thành lũy bao quanh một tòa thành (nhỏ hơn) hoặc một đô thị nằm ở bên trong. Những tên này được dùng trong các sử cũ (của Trung Quốc và Việt Nam) để chỉ những thành lũy do bọn đô hộ phong kiến phương Bắc xây đắp trong thời Bắc thuộc ở vào địa phận Hà Nội ngày nay. Cái tên La Thành xuất hiện trước từ thế kỷ thứ VIII: năm 767, Trương Bá Nghi đắp la thành, chỉ cao có vài thước.

Năm 808 Cao Biền đắp đại la thành, chu vi 1980 trượng 5 thước (khoảng 6.000 mét), cao 2 trượng 6 thước (khoảng 8 mét). Như vậy là trong suốt thời Bắc thuộc, La Thành là một danh từ chung chỉ những tòa thành mà bọn cai trị phương Bắc đắp bao quanh đô thị trị sở của chúng là Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay). 

Đến năm 1010; trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn có danh từ Đại La Thành để chỉ la thành do Cao Biền đắp (hoặc đắp lại) với tư cách là một danh từ riêng. Cũng từ năm này xuất hiện tên thành Thăng Long, nhưng cái tên thành Đại La thỉnh thoảng vẫn được dùng trong sử sách, nhất là trong thơ văn để chỉ kinh đô Thăng Long. Vấn đề lịch sử của tên gọi là như vậy, nhựng trong thực tế, Đại La Thành hay La Thành cụ thể là ở vào chỗ nào so với ngày nay thì chưa được các giới sử học nhất trí xác nhận. Chỉ biết rằng, một số nhà nghiên cứu gần đây muốn từ La Thành được dùng để chỉ tòa thành đất vòng giữa bao quanh khu vực đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa. Còn danh từ Đại La thì chỉ tòa thành đất vòng quanh bao bọc trọn vẹn kinh thành cũ gồm hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức (tới năm 1805 đổi ra là Vĩnh Thuận). Hai huyện này tồn tại mãi tới đầu thời Pháp thuộc. 

Cách hiểu đó được vận dụng để đặt tên cho phố Đại La và đường La Thành.

Về phố Đại La xin xem mục Đại La.

Còn đường La Thành dài trên 3.200 mét, đi từ ngã năm Ô Chợ Dừa đến ngã ba nơi phố Cầu Giấy nối tiếp phố Kim Mã. (Trước đây còn gọi là đê La Thành). Đường này trùng với một đoạn tường lũy phía nam của tòa thành đất vòng giữa tức là La Thành theo cách gọi có tính chất quy ước như đã nêu ở trên, có con sông Kim Ngưu làm hào. So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì chỗ ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ có tên là Chuôi Vồ Cổng Lấp. Có thể nơi đó vốn là một cái cổng xẻ qua thân tòa thành đất vòng giữa. Ở đây tường thành lại nhô ra như chuối về. Về sau, cổng đó bị lấp đi nhưng cái tên thì lưu lại tới năm 1831. Ở khu Chuôi Vồ Cổng Lấp này có một di tích đáng chú trọng. Đó là ngôi mộ của thám hoa Mai Anh Tuấn. Nay, để tới di tích này có hai lối: một là theo ngõ 371 đường La Thành đi xuống, một là theo ngõ 5 phố Láng Hạ đi sang. Mộ ở ngách 371/9. Mai Anh Tuấn (1815 - 1851) quê huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhưng sinh trưởng ở phường Thịnh Hào, nay là khu vực Hoàng Cầu. Ông đỗ thám hoa năm 1844, đã từng làm các chức quan ở Huế, tới năm 1849 ra làm án sát tỉnh Lạng Sơn. Ông chấn chỉnh pháp luật, xử phạt công minh nên dân rất mến mộ. Song năm 1851, thổ phỉ tràn sang đánh phá biên giới, ông cầm quân tiễu phỉ, không may bị tử trận. Vua Tự Đức cho đưa thi hài ông về an táng ở Hoàng Cầu. Đó là một quan - liệt sĩ.

Nói trở lại đoạn tường lũy phía nam này do chạy dọc trên bờ bắc sông Kim Ngưu (một nhánh của sông Tô Lịch) cho nên có tác dụng ngăn nước lụt mùa mưa lũ, do đó trước đây còn gọi là đê La Thành. (Thực ra khi đắp tòa thành vòng giữa này, người thiết kế đã dùng sông Kim Ngưu làm hào phía nam, cũng như đã dùng sông Tô Lịch làm hào phía bắc và phía tây). 

Đường La Thành như hiện nay là do quyết định của thành phố tháng 1-1999. Trước đó đoạn từ ngã ba Cầu Giấy - Kim Mã đến ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ dân quen gọi là phố Giảng Võ (vì đi qua làng Giảng Võ). Còn gọi là đề La Thành là từ Ô Kim Liên, chỗ ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng chạy qua Ô Chợ Dừa sang tới ngã tư Giảng Võ. Như vậy là theo như quy định hiện nay thì đoạn Ô Kim Liên - Ô Cầu Dừa chưa có tên chính thức, và chữ đê được thay bằng chữ đường, và đường La Thành tuy bỏ đoạn đó nhưng lại thêm được đoạn từ ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ đến ngã ba Cầu Giấy - Kim Mã. 

Ven đường La Thành hiện nay có một ngôi chùa cổ: chùa Thanh Nhàn ở cánh đồng bên phía bắc đường. Lối vào chùa ở gần trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tuy nằm trên đất Hào Nam nhưng chính lại là chùa của làng Xã Đàn. Còn bên phía bắc đoạn đường từ Ô Kim Liên đến Ô Cầu Dừa có đền (cũng là đình) của làng Kim Liên là Thăng Long Nam trấn và đình cùng chùa của làng Trung Tự, còn có một tấm bia hình hộp, có nắp đậy, niên đại 1673.

 

Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.

 

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI