Vị trí: Dài 1.180 mét, đi từ phố Quan Thánh đến phố Nguyễn Thái Học. Con đường này đã mang tên thời kỳ dựng nước đầy tự hào, nay lại có những niềm tự hào mới: ở đây có Phủ Chủ tịch, có Lăng Bác Hồ vĩ đại, có quảng trường Ba Đình lịch sử (xem mục Ba Đình). Riêng Phủ Chủ tịch thì nguyên là Phủ toàn quyền Đông Dương từ 1902 đến 1906. Để xây dựng dinh thự này thực dân đã chiếm đất của hai làng Hữu Tiệp, Khán Xuân thuộc tổng Yên Thành huyện Vĩnh Thuận. Ngày nay mặt đường được đổ bê tông kiên cố, rộng tới 40 mét. Hai bên đường là những hàng cây chò nâu từ đất Tổ Hùng Vương mang về trồng, đứng sóng hàng thẳng tắp.
Trước đây, khi còn tòa thành Thăng Long (đời Nguyễn) thì đường này là mặt thành phía tây. Trong những lần xây dựng quảng trường Ba Đình, đã phát hiện những đoạn móng thành đó xây bằng gạch vồ chạy dọc đường Hùng Vương.
Thời Pháp thuộc, đây là đại lộ Bri-e đờ-lin (avenue Brière de I'Isle). Tên hiện nay được đặt từ Cách mạng.
Tiểu dẫn nhân vật: Tương truyền Hùng Vương là tên hiệu của 18 đời vua đầu tiên của nước ta. Việt sử lược, bộ sử cổ nhất của ta, chép rằng: "Đời Chu Trang Vương (696-682 tr.CN) ở bộ Gia Ninh có người dùng thuật lạ hàng phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang... Truyền 18 đời đều gọi là Hùng Vương".
Đến bộ Đại Việt sử ký toàn thư thì dựa vào các huyền thoại và truyền thuyết mà chép như sau:
Vua phương Nam, hiệu là Kinh Dương Vương, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy vợ là Âu Cơ, sinh ra một trăm con trai, là tổ của Bách Việt. Người con trưởng nối ngôi vua, hiệu là Hùng Vương, gọi nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Truyền đến đời thứ 18 thì nước Văn Lang bị Thục Phán thôn tính.
Nếu tính từ Kinh Dương Vương cho đến hết đời Hùng Vương thứ 18 thì triều đại này dài tới 2622 năm (Từ năm 2879 đến năm 258 trước công nguyên).
Đó là truyền thuyết. Còn bằng các căn cứ khoa học, ngành sử học nước ta hiện nay đã nhất trí nhận định về thời đại Hùng Vương như sau:
Cách đây khoảng bốn nghìn năm, cùng với thời đại đồng thau phát triến, nước ta bước vào thời kỳ Hùng Vương. Nguyên là từ buổi đó, những bộ lạc thuộc tộc Việt đã định cư ở khu vực nay là Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt sinh sống chủ yếu ở trung du và đồng bằng châu thổ. Hàng chục bộ lạc Âu Việt sinh sống ở miền Việt Bắc. Tại nhiều nơi người Âu Việt và Lạc Việt sống xen kẽ với nhau cùng với các thành phần cư dân khác.
Do nhu cầu trị thủy, chống xâm lấn và do trao đổi kinh tế và văn hóa, giữa các bộ lạc Việt có xu hướng tập hợp lại, thống nhất lại. Trong số đó bộ lạc Văn Lang là mạnh hơn. Thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đã đứng ra thống nhất các bộ lạc Lạc Việt, dựng lên nước Văn Lang. Đó là người mà sử gọi là Hùng Vương và con cháu ông tiếp tục mang danh hiệu đó. Như vậy Hùng Vương là những thủ lĩnh của dân Việt Nam trong thời kỳ bắt đầu dựng nước.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn