Vị trí: Dài 850 mét, đi từ đường Điện Biên Phủ đến phố Ngọc Hà. Đây là phần đất thôn Phụ Bảo, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Tới giữa thế kỷ XIX thôn này đã hợp nhất với thôn Thanh Ninh và mang tên mới là
Thanh Bảo. Ở quãng giữa phố có một ngôi chùa kiến trúc độc đáo, đó là Chùa Một Cột.
Lịch sử di tích: Thực ra ở đây có 2 quần thế kiến trúc: một ngôi chùa tên là Diên Hựu và một tòa đài hình hoa sen tên là Liên Hoa đài, được gọi chung là Chùa Một Cột. Đài hình vuông, mỗi chiều 3 mét, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ đường kính 1 mét 20, cao 4 mét (chưa kể phần chìm dưới đất) gồm 2 trụ đá chồng lên nhau, gắn rất khéo, thoạt nhìn thì cứ tưởng là một khối liền. Tầng trên đỡ một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, khác nào một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ nhỏ hình vuông, có xây lan can bằng gạch chung quanh. Một chiếc thang xây dẫn lên chùa. Trên cửa có biển đề "Liên Hoa Đài" (đài hoa sen) gợi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Vì sử chép rằng: "Vua Lý Thái Tông chiêm bao mơ thấy Phật Quan Âm dắt vua lên tòa sen. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy hỏi các quan. Có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen bên trên giống như đã thấy trong mộng. Rồi cho các sư chạy đàn tụng kinh. Vì thế gọi là chùa Diên Hụt". Sử còn cho biết cụ thể là chừa xây vào khoảng tháng 10 năm Kỹ Sửu tức tháng 9-1049. Và văn bia thấp Diên Linh ở chừa Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) soạn năm 1121 tức là 72 năm sau khi xây xong chùa Một Cột có tả đài Liên Hoa như sau: ...Đào hồ Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột nở đóa hoa sen nghìn cánh, trên sen dựng tòa điện màu xanh, trong điện đặt pho tượng vàng tài năng nhân đức (tức tượng Quan Âm). Vòng quanh hồ là dãy hành lang, lại đào ao Bích Trì mỗi bên đều bắc cầu vồng để đi qua. Phía sân cầu, đằng trước, hai bên tả hữu, xây tháp lưu ly...".
Như vậy thì quy mô đài Liên Hoa thời Lý lớn hơn ngày nay nhiều và cả kiểu dáng, cả những bộ phận hợp thành cũng phong phú hơn nhiều. Chùa đã nhiều lần sửa chữa qua bao biến cố của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Chẳng nói gì xa xưa, mà mới đây thôi, ngày 11-9-1954, trước khi rút lui giặc Pháp đã cho nổ mìn phá hủy đài, chỉ còn lại cái cột đá và mấy chiếc xà gỗ. Sau khi tiếp quản, Chính phủ đã cho làm lại nguyên vẹn như trước và đến tháng 4-1955 thì hoàn thành. Cạnh chùa có một cây bồ đề lịch sử. Nguyên là năm 1958 Hồ Chủ Tịch sang thăm Ấn Độ. Tổng thống nước này có tặng Bác một cây bồ đề. Về nước, Bác đã cho trồng tại khu chùa này.
Phía ngoài cây bồ đề ấy là ngôi chùa trên cửa tam quan có ghi ba chữ Diên Hựu tự. Chùa này mới làm lại vào khoảng thế kỷ XVIII. Tương truyền cạnh chùa là mảnh ruộng có đặt cái chuông Quy Điền. Nguyên là vào tháng 2 năm Canh Thân (1080) vua Lý sai đúc chuông cho chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột). Chuông rất lớn, vì được liệt vào một trong bốn công trình đồ sộ của nước ta xưa (An Nam tứ khí: tháp Báo Thiên, tượng phật chùa Quỳnh Lâm, vạc chùa Phổ Minh và chuông này). Để treo chuông, lúc đó đã phải dựng một toà gác chuông cao 8 trượng (tức khoảng 24 mét). Nhưng đúc xong chuông đánh lại không kêu, cho nên phải đem bỏ ngoài ruộng cạnh chùa. Ruộng này có nhiều rùa, do đó có tên là chuông Quy Điền (chuông ruộng rùa). Năm 1426 giặc Minh ở thành Đông Quan (Hà Nội) bị nghĩa quân vây chặt. Chúng đã phá tháp Bảo Thiên và chuông Quy Điền để lấy đồng đúc vũ khí.
Phố Chùa Một Cột thời Pháp thuộc gọi là phố Ê-li Grô-lô (rue Elie Groleau) và chỉ dài 450 mét, từ đường Điện Biên Phủ đến phố Ông Ích Khiêm. Năm 1975, phố này được mở dài thêm tới phố Ngọc Hà, thêm ra 400 mét.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn