Đường Cầu Giấy

Đường Cầu Giấy

Vị trí: Dài 1.800 mét, nối liền với đường Kim Mã đi từ cổng đền Voi Phục qua Cầu Giấy bắc ngang sông Tô đến ngã ba phố Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy. Đây nguyên là một đoạn của con đường thiên lý nối Thăng Long với xứ Đoài, đường này chạy men theo tường phía nam của một tòa thành có thể là được đắp khoảng đầu thế kỷ XI (từ năm 1014) (?) mà đấu vết còn sót lại tới ngày nay là những gờ đất chạy dọc ven phía bắc đường Kim Mã. Nay ở đầu phía đông giáp phía Kim Mã được mở rộng thành một "bùng binh" thoáng, đẹp. 

 

Lịch sử: Cầu Giấy là tên một cái cầu bắc qua sông Tô, thuộc địa phận làng Yên Hòa, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Làng Yên Hòa xưa tên là Thượng Yên Quyết, nhưng đo có nghề làm giấy cổ truyền nên thường

Gọi là làng Giấy. Vì vậy mà thành tên cầu. Cầu Giấy vào đời Lý có thể là cầu Tây Dương vì đối diện với cửa Tây Dương của tòa thành vòng ngoài bao quanh kính thành Thăng Long xưa.

Ngày nay phố Cầu Giấy ở bên phía đông cầu là ranh giới giữa làng Thủ Lệ (thuộc quận Ba Đình) và làng Yên Lãng (thuộc quận Đống Đa). Còn bên phía tây cầu   là đất của làng Dịch Vọng trung. Trong những năm chống Pháp cuối thế kỷ XIX đoạn đầu phố này là chiến lũy của quân ta. Ở ngay chỗ ngã tư trước cầu, vào khoảng năm 1872, Tôn Thất Thuyết đã cho đắp một ụ đất lớn tại đấy để đặt súng "thần công". Vì vậy chỗ này có tên là Ngã tư Ự. Cũng nơi đây đã chứng kiến hai lần thất bại thảm hại của thực dân Pháp hồi đó.

Lần thứ nhất, vào ngày 21-12-1873, tướng giặc là Phơ-răng-xi Gác-ni-ê (Francis Garnier) đã bị phục kích tại đây, chạy về tới giữa đường Giảng Võ thì chết. Hàng trăm lính Pháp cũng đã đền tội trên dọc phố này và đường Giảng Võ.

Lần thứ hai, trong ngày 19-5-1883, tướng giặc là Hăng-ri Rí-vi-e (Henri Rivière) cũng bị chặn đánh tại đây và bỏ mạng cùng hàng trăm tên khác.

Về di tích lịch sử cổ xưa thì phố Cầu Giấy có ngôi đền Voi Phục nổi tiếng là một thắng cảnh của Thủ Đô. Ngoài cửa đền có đắp 2 con voi quỳ phục, do đó mà thành tên gọi. Chính ra thì tên chữ Hán là Linh Lang Từ vì là nơi thờ thần Linh Lang, Ngọc phả ghi rằng: Linh Lang là con thứ tư của Lý Thánh Tông(?) mẹ là Cảo Nương vốn người làng Bồng Lai huyện Từ Liêm (nay thuộc huyện Đan Phượng), sống ngụ ở Thị Trại (Trại Chợ). Tuy là cung phi nhưng bà vẫn được về ở nhà riêng. Một lần Cảo Nương đi tắm ở hồ Tây bị rồng quấn lấy người, sau đó có mang, sinh ra Linh Lang. Linh Lang vẫn ở với mẹ. Khi quân Tống xâm lắng, vua cho sứ đi cầu hiền, Linh Lang liền xin cấp cho một cỗ voi và một cây cờ hồng cán dài 10 trượng để đi dẹp giặc. Vua y theo. Thế là chàng Linh cưỡi voi, cầm cờ ra trận, và đại thắng. Vua muốn nhường ngôi nhưng chàng chối từ, trở về ở Trại Chợ. Ít lâu sau chàng bị bệnh đậu mùa rồi từ trần, hóa ra rồng đen đi xuống hồ Tây. Vua cho lập đền thờ ngay ở nơi hóa và phong thần. Ngoài ra vua còn miễn mọi khoản phu phen tạp dịch cho dân trại này để họ chuyên lo phục dịch việc cúng tế ở đền, vì thế mà đổi tên là trại Thủ Lệ (tức giữ lệ cúng tế). 

Sự tích Linh Lang theo thần phả là như vậy. Gần đấy có nhà sử học cho rằng Linh Lang chính là hình ảnh đã thần linh hóa của một nhân vật lịch sử có thật. Đó là hoàng tử Hoằng Chân đã chiến đấu chống quân Tống vào mua đông năm 1077 và đã hy sinh tại khúc sông Cầu cùng một hoàng tử khác tên là Chiêu Văn. Biết vậy! 

Như vậy thì đền Voi Phục chính là nơi tưởng niệm một anh hùng đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và đền đã có từ đời Lý (thế kỷ XI). Nhưng qua nhiều lần trùng tu, đền đã không còn giữ được các hiện vật cổ, trừ một phiến đá có vết lõm đặt trong hậu cung, tương truyền là từng được dùng làm gối đầu của Linh Lang trước khi hóa. Theo tín ngưỡng dân gian ngày trước kinh thành Thăng Long có bốn thần trấn giữ bảo vệ bốn phía thì Linh Lang là thần trấn phía tây.

Chính ở ngay cổng đền Voi Phục, cùng ngày 19-5-1883, trong khi Ri-vi-e đền tội ở phía bên bờ tây Cầu Giấy thì viên quan ba giặc Pháp là Ban-ni (Balny) đã bỏ mạng tại nơi đây! Thực ra đường này mới được ấn định lại vị trí từ tháng 1-1998. Trước đó chỉ có đoạn bên phía đông cầu mới có tên là phố Cầu Giấy. Còn sang bên kia cầu thì chưa có tên chính thức song dân quen gọi là phố Dịch Vọng.

Thực ra đường này mới được ấn định lại vị trí từ tháng 1-1998. Trước đó chỉ có đoạn bên phía đông cầu mới có tên là phố Cầu Giấy. Còn sang bên kia cầu thì chưa có tên chính thức song dân quen gọi là phố Dịch Vọng.

Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.

 

Loại hình

  • Đường phố

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI