Vị trí và Lịch sử: Bưởi, còn quen gọi là Kẻ Bưởi, là một khu vực gồm nhiều làng ở góc tây - nam hồ Tây và bên bờ bắc sông Tô Lịch, như Nghĩa Đô, Bái Ân, Võng Thị, Trích Sài, Yên Thái..
Làng Nghĩa Đô kỳ thực lại gồm bốn làng: Tiên Thượng (Bến), Vạn Long (Dâu), Nghĩa Đô (Nghè) và An Phú (mới lập từ thế kỷ XVII nên không có tên nôm). Làng Yên Thái cũng có tới ba làng: làng Cả (hay Đoài), An Thọ (Thọ) và Đông Xã (Đông). Cho nên Kẻ Bưởi là tên chung cả chục làng. Riêng chợ Bưởi thì nằm trên đất làng Cả - Yên Thái. Vì là làng cổ, có từ xa xưa nên mỗi làng là một pho lịch sử rất phong phú.
Còn cái tên đường Bưởi mới được đặt ra trong năm 1986 để chỉ con đường chạy dọc bờ đông sông Tô Lịch, từ chợ Bưởi qua ngã ba Cống Vị, tới ngã tư Cầu Giấy, dài trên 2.000 mét.
Thực ra chỉ vài chục mét đầu của con đường là đi trên đất Kẻ Bưởi. Phần còn lại trên 2.000 mét là đi qua các làng Đoài Môn, Cống Vị, Cống Yên, Vạn Phúc và Thủ Lệ. Cho nên cái tên "Đường Bưởi" chưa thật phù hợp về mặt địa lý.
Con đường này nguyên là thân của bức tường thành đắp bằng đất (tức lũy) của tòa thành bao bọc trọn vẹn kinh thành Thăng Long đời Lê mà một số nhà nghiên cứu gọi là tòa thành "vòng ngoài". Tòa thành này nếu tính từ bắc xuống thì phía tây bắt đầu từ Nhật Tân, chạy ven hồ Tây qua chợ Bưởi, qua Cầu Giấy, rồi Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Trung Hiền (chợ Mơ) ra sông Hồng ở Vĩnh Tuy. Còn bức tường phía đông thì trùng đê sông Hồng. Tòa thành này được bắt đầu đắp thời nhà Mạc (cuối thế kỷ XVI), sau Trịnh Doanh (giữa thế kỷ XVIII) có tu tạo lại. Tên mới đặt năm 1986.
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn