Lịch sử: Cái tên An Xá có từ thời Lý Công Uẩn dời đô. Nguyên dân làng này ở về phía Nam hồ Tây. Vua Lý lấy đất làm kinh thành nên di dân ra bờ sông Hồng (lúc đó chưa có đê), cắm đất cho "thượng Xù Gạ, hạ Đồng Nhân" tức trên từ làng Xù làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), dưới bãi Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng). Sang thế kỷ XII, vua Lý Thần Tông thấy dân An Xá giỏi làm nhà sàn nên cho đổi ra là Cơ Xá (cơ = máy móc). Sau đó qua thay đổi các triều đại và cả thay đổi dòng sông nên đất Cơ Xá thành ra nhiều làng nhỏ, các làng này lại lúc hợp, lúc tách, đến đầu thế kỷ XX thì hình thành bốn khu vực:
Chỗ nay là bãi Tân Ấp và Phúc Xá vốn là Cơ Xá Tây Biên (biên = bờ); khu vực phố Nguyễn Huy Tự là Cơ Xá Nam Biên; bãi giữa sông Hồng là Cơ Xá Trung Hà và phần đất bên bờ trái sông Hồng mà dân Cơ Xá đã sang cư ngụ gọi là Cơ Xá Bắc Biên. Như vậy phố An Xá nay là thuộc đất đai làng Cơ Xá Tây Biên cũ. Đất An Xá vốn là làng quê hương của anh hùng Lý Thường Kiệt (xem mục Lý Thường Kiệt)
Tiểu sử nhân vật: Bấy lâu vẫn coi rằng Lý Thường Kiệt sinh năm 1036 là người phường Thái Hòa, tức khu vực núi Cung giữa cánh đồng thôn Vĩnh Phúc, gần đường Hoàng Hoa Thám ngày nay. Gần đây nhờ sách Tây Hồ chí (khuyết danh) hoặc bài của Vũ Tuấn Sán trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 75 cho biết cụ thể rằng Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm 1019, người phường (Yên) An Xá, ở trên bãi sông Hồng. Ngô Tuấn ban đầu làm chức quan nhỏ về ky binh, sau làm thị vệ hầu Lý Thánh Tông. Chỉ trong, 12 năm, ông nổi tiếng là người tài giỏi, quán xuyến mọi việc cung đình. Được ban quốc tính, nên mới có tên là Lý Thường Kiệt. Ông phù giúp Thái hậu Ý Lan và vua Nhân Tông xây dựng nước Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh.
Đầu những năm 70 của thế kỷ XI, nhà Tống chuẩn bị xâm lược nước ta. Chúng tập trung binh lực ở Ung Châu (Nam Ninh - Quảng Tây) và các cửa bể Khâm Châu, Liêm Châu (nay cũng thuộc Quảng Tây). Trước nguy cơ đó, Lý Thường Kiệt thấy không thể bị động chờ giặc đến mà phải chủ động tiến công các cứ điểm xuất phát. Và ngày 27-10-1075, ông đem 10 vạn quân sang công phá ba địa điểm trên, thắng lợi rực rỡ.
Cuối năm 1076, nhà Tống sai Quách Quỳ mang 10 vạn binh sang xâm lược nước ta. Chiến cuộc giằng co ở hai bên bờ sông Như Nguyệt (tức sông Cầu ngày nay). Đến tháng 3 năm 1077, quân Tống bị đánh tan.
Ngoài ra, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, quân ta còn hai lần đánh thắng bọn phong kiến Chiêm Thành quấy rối biên giới phía Nam, một lần vào năm 1069, và một lần vào năm 1104 (lúc này ông đã 85 tuổi).
Nguồn: Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn