Đình Kim Mã Hạ, phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình; đình thờ phụng Thành hoàng làng Bố Cái Đại vương – vua Phùng Hưng.
Làng Kim Mã nằm ở phía Nam của Thập tam trại. Vào thời Lý - Trần, đất làng Kim Mã được dùng làm nơi nuôi ngựa của Hoàng cung, nên còn gọi là “Tầu Mã” hay “Mã trại”. Làng có ngôi đình thờ ba vị thành hoàng đại vương, là Bố Cái đại vương, Linh Lang đại vương và Thái tể Hoàng Phúc Trung. Đây là những nhân vật có liên quan trực tiếp đến những sự kiện lịch sử lớn và nguồn gốc ra đời của cộng đồng dân cư trong vùng. Trong đó, Bố Cái đại vương Phùng Hưng là phúc thần của làng.
Bố Cái Đại Vương là người làng Đường Lâm (Sơn Tây) từng dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc Đường’ ngài được dân gian ca tụng là có sức khoẻ hơn người, vật nổi trâu, đánh được hổ, cõng thuyền nặng đi hàng chục dặm đường. Khoảng đời Đại Lịch (766 – 779), ông phất cờ khởi nghĩa chống lại chế độ của nhà Đường ở Tống Bình (nay là Hà Nội), làm chủ đất Đường Lâm rồi đánh chiếm cả một miền rộng lớn quanh vùng. Sau khi mất ông mất, con trai là Phùng An nối ngôi, tôn cha là Bố Cái Đại vương và cho xây lăng mộ ở phía Tây phủ thành Tống Bình, thuộc địa phận làng Kim Mã để nhân dân tưởng nhớ và phụng thờ.
Vị thành hoàng thứ hai là Linh Lang đại vương, là Hoàng tử Hoàng Chân - người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Tống tại bờ sông Như Nguyệt năm 1077.
Vị thành hoàng làng thứ ba là thần Hoàng Lệ Mật - Thái tể Hoàng Phúc Trung. Theo thần tích, ông quê ở làng Lệ Mật, năm 16 tuổi ông đã được vua Lý Thánh Tông được chọn làm Giám quan trong triều. Trong một làn vãn cảnh trên sông Đuống, thuyền của công chúa chẳng may bị đắm, tìm mãi không thấy xác nàng. Ông là người đã liều mình lặn sâu vớt được. Vua ban thưởng nhưng ông chỉ xin được đem dân nghèo ở làng Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành, dựng nên 13 làng trại.
Trải qua lịch sử, đình Kim Mã từng bị giặc Pháp phá hủy, chỉ còn chỗ cho sân gạch, nhà tả hữu vu và tòa đại đình. Cổng đình cũ có hai cột trụ được xây dựng bởi hai gia tộc lớn trong làng là họ Lê và họ Nguyễn Xuân. Trên ngọn và dọc thân trụ có trang trí bằng những hình chim phượng, tứ linh và hoa lá.
Ở mặt trước và mặt sau hai trụ này có các câu đối ca ngợi công đức của Thành hoàng Bố cái đại vương: Kim Mã hiếu trung tồn sử sách
Đường Lâm nghĩa dũng tráng sơn hà.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn