Đền Yên Thành ở số nhà 28 phố Phan Huy Ích, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình.
Yên Thành là làng Việt cổ có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Đền Yên Thành là nơi phụng thờ Vua bà Lý Chiêu Hoàng, đời vua thứ chín và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lý. Cuốn thần tích chữ Hán còn lưu tại đền và sách “Đại việt sử ký toàn thư” kỷ nhà Lý có chép về sự tích của Vua bà Lý Chiêu Hoàng như sau: “…Mùa đông tháng 10 xuống chiếu lập Công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái Tử để truyền ngôi cho. Chiêu Thánh lên ngôi đổi Niên hiệu là Chiêu hương Hữu Đạo năm thứ nhất tên hiệu là Chiêu Hoàng… Chiêu Hoàng huý là Phật Kim sau đổi thành Thiên Hinh là con gái thứ của Lý Huệ Tôn, mẹ là Trần Thị. Vì Vua Huệ Tôn không có con trai nên lập con gái là Hoàng Thái Tử…”
Chiêu Hoàng vốn là Nữ Chúa của Triều Lý, tháng 10 năm 1224 lên ngôi Hoàng đế, lúc đó bà mới 8 tuổi. Tháng 12 năm Ất Dậu, do sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ (vị Tiền Điện chỉ huy sứ coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài Thành), Vua bà Lý Chiêu Hoàng lấy chồng là Trần Cảnh mới 8 tuổi và nhường ngôi cho chồng và trở thành Hoàng hậu Chiêu Thánh của Triều Trần. Sống với Vua Trần nhiều năm mà con cái muộn mằn, bà dâng biểu tâu Vua xin ra khỏi Cung đi ngao du thiên hạ thăm phong cảnh và giảng kinh thuyết pháp ở nhiều nơi. Bà bỏ nhiều tiền để phát chẩn cứu đói cho dân. Năm 1258, bà được gả cho Lê Phụ Trần, một vị tướng tài danh, họ sống thuận hoà với nhau và sinh được một người con trai và một người con gái. Bà qua đời năm 61 tuổi. Hoàng hậu Chiêu Thánh là người nhân hậu, khi sống thì hiền thục, lúc hoá thì linh ứng phù giúp nước lập công, bà được các triều vua phong tặng là Phật Kim Thượng hoàng Thái hậu linh ứng phụ quốc hiển hậu khang dân chi thần. Thời Lê Thái Tổ, bà được phong là Hoàng Nga uyển mị phu nhân linh ứng.
Triều đại nhà Lý trải dài 216 năm, qua 9 đời vua lấy Quốc hiệu Đại Việt, Kinh đô Thăng Long, là một trong những triều đại mở đầu cho việc xây dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc ta sau 1000 năm Bắc thuộc.
Đền Yên Thành đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 2005, là một minh chứng lịch sử về dấu tích của Triều đại nhà Lý trên mảnh đất Thăng Long 1000 tuổi.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn