Lịch sử hình thành và hình ảnh xưa của Quảng trường Ba Đình

Lịch sử hình thành và hình ảnh xưa của Quảng trường Ba Đình

Nơi đây đã chứng kiến bao lịch sử thăng trầm của dân tộc. Từ mùa Thu tháng Tám 1945 Ba Đình trở nên gần gũi và thiêng liêng ghi lại dấu ấn không thể phai mờ về sự bắt đầu một thời đại mới của dân tộc- Thời đại độc lập- tự do- hạnh phúc- Thời đại Hồ Chí Minh, và để đến ngày hôm nay Ba Đình trở thành nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, nơi hội tụ của đồng bào cả nước và cả bè bạn khắp năm châu.

Quảng trường Ba Đình xưa là cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long với dân cư đông đúc và nhiều làng nghề cổ. Thời Pháp thuộc khu Ba Đình là nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính Phủ Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Quảng trường Ba Đình ngày nay từng mang tên chính thức là Quảng trường Puginier, nhưng ở đây được người Pháp quy hoạch xây dựng một quảng trường có vòng tròn lớn, nên người dân thường gọi là Quảng Trường Tròn. Quảng trường này nằm ngay cổng vào vườn Bách thảo, phía Tây thành Hà Nội cũ (thành này đã bị Pháp phá hủy trong quá trình quy hoạch xây dựng Hà Nội).

Đầu tháng 8 năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai của chính quyền Trần Trọng Kim đã đổi tên Quảng trường Puginier thành Vườn hoa Ba Đình, và cái tên này đã trở thành lịch sử, vì chỉ tròn 1 tháng sau khi mang tên Ba Đình, quảng trường này là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chính phủ nước Việt Nam mới cũng đã quyết định lấy tên cuộc khởi nghĩa Ba Đình, một trong những bản anh hùng ca chống Pháp của phong trào Cần Vương để đặt tên cho khu đất đặc biệt này của Hà Nội. Sau ngày 2-9-1945 các phương tiện thông tin trong và ngoài nước đã đồng loạt đưa tin: Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau thời điểm đó Quảng trường còn có tên là Quảng trường Độc lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình mãi trở thành những giây phút lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quảng trường Ba Đình còn có tên là Hồng Bàng. Từ ngày 1-1-1955 cuộc mít tinh trọng thể đón mừng Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ  trở về Thủ đô Hà Nội, nơi đây lại được gọi là Quảng trường Ba Đình. Sau sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 thì cuộc mít tinh trọng thể ngày 1-1-1955 là sự kiện trọng đại thứ hai của lịch sử dân tộc và Thủ đô Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh. Ba Đình từ đó càng trở nên thiêng liêng hơn đối với mỗi người Việt Nam.

Lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1955) trên quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Thêm nữa, từ sau ngày Thủ đô được giải phóng, Bác Hồ về sống và làm việc tại  Ba Đình, trong khu vực trước đó là Dinh Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Đây là nơi Bác đã sống và làm việc trong 15 năm từ 1954 đến 1969. Nơi Bác đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày đêm lo lắng, lãnh đạo nhân dân ta xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc và cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây cũng là nơi ghi dấu tình cảm yêu mến vô hạn của Bác Hồ đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, với bạn bè, đồng chí và nhân dân thế giới. Sau khi Bác qua đời, nơi đây trở thành Khu Di tích đặc biệt quan trọng của nước ta.

Diễu hành trên Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9/1960. Ảnh: TTXVN

Cùng với việc gìn giữ và phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta còn quyết định xây dựng Lăng Bác ngay trên Quảng trường Ba Đình. Lăng Bác được đặt tại vị trí của Kì đài năm xưa nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Lăng được khởi công xây dựng ngày 2-9-1973 và 2 năm sau được khánh thành ngày 29-8-1975, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là mùa Thu đầu tiên đất nước ta được hoàn toàn thống nhất. 

Hình ảnh lễ đài Quảng trường Ba Đình năm 1960.

Lăng Bác và lễ đài là một thể thống nhất, đáp ứng nhiều giá trị sử dụng khác nhau. Đây là nơi tổ chức các lễ hội lớn của cả nước, nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, biểu diễn nghệ thuật.

Quảng trường Ba Đình ở phía trước Lăng Bác có gần 200 ô vuông trồng cỏ

Đến năm 1990, một công trình văn hóa lớn tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được xây dựng sau Lăng Bác, trên Quảng trường Ba Đình, đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng được khởi công xây dựng ngày 31-8-1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; và khánh thành đúng vào ngày 19-5-1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thời điểm nhân dân toàn thế giới mừng ngày sinh của Người với danh nghĩa là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là nhà văn hóa kiệt xuất.

 Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc diễn văn tại Lễ Khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19/5/1990

Vậy là, cùng với các công trình kiến trúc nơi làm việc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ xung quanh Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi ở và làm việc của Bác, Lăng và Bảo tàng về Người trở thành tượng đài độc đáo về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cụm di tích lịch sử- văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình là biểu tượng về lòng biết ơn vô hạn của dân tộc Việt nam đối với Bác Hồ, Người đời đời sống mãi với các thế hệ người Việt Nam, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi lên trên con đường độc lập, tự do, hạnh phúc. Từ hai phía Lăng có đường đi ra Lễ đài. Độ cao của Lễ đài bằng với độ cao của phòng nơi đặt thi hài Bác. Đây là nơi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng trong những buổi lễ trọng đại của dân tộc.





0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI